Đặc biệt, sau 15 năm triển khai nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, sáng tạo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực.
Phát triển tổ chức Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đổi mới phương thức hoạt động với phương châm "lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm"; tập trung làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động…, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp và bản lĩnh chính trị của công nhân lao động được nâng lên.
Từ thực tiễn ở cơ sở, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng chia sẻ, những việc làm cụ thể của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã khơi dậy trong công nhân viên chức, lao động ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết pháp luật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đánh giá kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành phố luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Nổi bật là Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/02/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội", giai đoạn 2020 - 2025.
Thành phố đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân, nhất là tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp; tập hợp, thu hút kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên là công nhân lao động trong doanh nghiệp.
Các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch thực hiện khảo sát, phân loại các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp. Các Đảng ủy Tổng công ty, Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức mô hình tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc theo hướng hợp nhất, sáp nhập một số tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước...
Qua khảo sát trên 800 doanh nghiệp, thực hiện khảo sát sâu hơn 400 doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 81 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng; 153 doanh nghiệp có từ 1 - 2 đảng viên. Theo đó, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố thành lập mới 65 tổ chức Đảng (đạt 72,2%) trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết nạp mới 501 đảng viên (đạt 55,5%); trong đó kết nạp 4 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Đồng thời, toàn thành phố thành lập được 330/550 tổ chức đoàn thể với 17.313/35.000 đoàn viên, hội viên…
Chăm lo, phát triển giai cấp công nhân là nhiệm vụ quan trọng
Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp tình hình thực tế, song sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, Ban Dân vận Thành ủy và Liên đoàn Lao động thành phố tập trung đánh giá kỹ khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng công nhân lao động trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trong đó, khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước, đặc biệt trong giai đoạn toàn Đảng bộ thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Các cấp ủy, chính quyền cần xác định việc chăm lo, phát triển giai cấp công nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chứ không phải phó mặc cho tổ chức Công đoàn", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Thành phố tiếp tục quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn với đủ nguồn lực, cơ chế, điều kiện. Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động thành phố cần chủ động, mạnh dạn hơn trong tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về quy hoạch, đầu tư các thiết chế cho người lao động, công nhân, trước khi xây dựng khu công nghiệp phải hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, hạ tầng...
Cũng theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, để bảo vệ quyền của người lao động tốt hơn, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp theo hướng sát hơn thực tiễn, gắn bó hơn với người lao động, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa giới chủ và người lao động. Các đơn vị tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm, điều kiện làm việc của công nhân lao động, qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Chủ động xây dựng báo cáo đánh giá, nghiên cứu nhằm dự báo được những vấn đề mới phát sinh liên quan đến Công đoàn, công nhân lao động trong tình hình mới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong đó phải chú trọng công tác phát triển Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tuyên truyền sâu đậm về mô hình, loại hình hoạt động hiệu quả cũng như việc triển khai quy chế phối hợp tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Liên đoàn Lao động thành phố tích cực quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước về cơ chế, chính sách đến việc chăm lo cho quyền lợi của công đoàn viên, thanh niên.
Thành ủy Hà Nội đã đồng ý xây dựng đề án về "Tăng cường khám sức khỏe sinh sản; tầm soát, phát hiện sớm ung thư và bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất năm 2024-2025", giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, Thành ủy chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm chăm lo đời sống vật, chất tinh thần cho công nhân, lao động, thanh niên.