Trên khắp các ngả đường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân.
Tính đến ngày 18/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hoàn thành công tác trang trí, cổ động trực quan phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sở đã hoàn thành trang trí các cụm pano cố định tại phố Trần Nhân Tông, ngã tư phố Giảng Võ - Cát Linh, Phú Xuyên, Dương Xá, Xuân Mai, Ngọc Hồi, ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, ngã Tư Sở, nút giao Ô Chợ Dừa, phố Hoàng Liệt đối diện bến xe Nước Ngầm, quốc lộ 1A Ninh Hiệp - Gia Lâm. Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các trụ sở có liên quan được trang trí các cụm pano.
Các cụm pano 2 mặt, 3 mặt, 4 mặt cũng được trang trí tại dải phân cách, các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, khu vực nội thành, các cửa ngõ Thủ đô. Khu vực quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước Nhà hát Lớn được trang trí cụm mô hình biểu tượng. Dọc các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố, khu vực quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rực rỡ với hệ thống băng rôn cùng hàng nghìn giá cờ. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đồng thời trang trí quốc kỳ, Đảng kỳ và hồng kỳ tại hệ thống cột trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố và Ngân hàng nhà nước. Cơ quan này còn huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử tại các bảng quảng cáo tấm lớn, màn hình Led theo quy định.
Không chỉ khu vực trung tâm, tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ bầu cử đều được triển khai đều khắp. Ông Đặng Hữu Hiệp, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Tín cho biết, công tác tuyên truyền cổ động trực quan tại các trục đường lớn, khu trung tâm huyện và các xã, thị trấn được quan tâm chú trọng. Toàn huyện đã làm mới 900 m2 cụm pano ngoài trời tấm lớn, treo 850 cờ nheo, 1.000 cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Tại các xã, thị trấn treo 580 băng rôn, hơn 4.600 cờ Tổ quốc, 2.320 cờ đảng tại các tuyến đường liên xã, nơi tập trung đông dân cư và khu vực niêm yết danh sách cử tri. Cũng theo ông Hiệp, tại 212 điểm bầu cử trên địa bàn toàn huyện cũng được trang trí trang trọng, tạo khí thế cho nhân dân trong ngày bầu cử.
Tại quận Ba Đình, công tác trang trí, cổ động trực quan đã được triển khai từ cuối tháng 3. Đến nay, toàn quận đã trang trí, chăng treo 2.551 baner, 1.246 m2 pano, 118 băng rôn, hồng kỳ, tạo cảnh quan đường phố đẹp rực rỡ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Dọc các tuyến đường Liễu Giai, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Quán Thánh, Phan Đình Phùng... rực rỡ sắc màu, tạo tâm thế sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Cùng với công tác trang trí cổ động trực quan, công tác thông tin tuyên truyền cũng được các cấp, ngành ở Hà Nội liên tục thực hiện trong dịp này. Việc tuyên truyền đã bám sát các mốc thời gian tuyên truyền theo đúng chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung tuyên truyền bầu cử. Các phương thức tuyên truyền đa dạng từ đài truyền thanh phường, cổng thông tin điện tử quận, huyện cho đến bảng tin công cộng, tuyên truyền cổ động.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bầu cử trên địa bàn huyện đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú như: Trên hệ thống phát thanh, truyền thanh và Cổng thông tin điện tử của huyện. Từ ngày 10/5, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm đã tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện từ 2 chương trình lên 5 chương trình/ngày, mỗi chương trình có từ 10 đến 15 phút tuyên truyền về bầu cử. Đài phát thanh huyện đã phát 527 lượt tin, 372 lượt bài, tài liệu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, thành phố và của huyện, các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử…
Tại quận Tây Hồ, Phòng Văn hóa và Thông tin quận đã chỉ đạo và đôn đốc các phường tăng cường nội dung tuyên truyền về bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh phường, trên Cổng thông tin điện tử của phường, tổ chức tuyên truyền lưu động, hệ thống bảng tin công cộng, màn hình Led và tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn. Đồng thời, quận thiết lập nhóm Zalo để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung tuyên truyền về bầu cử tới các phường...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương đã đánh giá cao sự vào cuộc của người dân, đặc biệt là sự vào cuộc của Ủy ban bầu cử quận, huyện, xã, phường. Hướng dẫn của thành phố về công tác bầu cử được các cơ sở chấp hành nghiêm túc. Tất cả các hệ thống trang trí cờ hoa, hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, tưng bừng; loa phát thanh, liên tục tuyên truyền về tiểu sử, lý lịch của các ứng cử viên. Qua đó, người dân nắm bắt được tiểu sử của các ứng cử viên, sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ông Trần Thế Cương cũng cho rằng, không chỉ quan tâm đến công tác tuyên truyền trực quan, tất cả các đơn vị bầu cử cũng cần vừa đảm bảo công tác tuyên truyền bầu cử, vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.