Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt từ 2,5-3%.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ rà soát lại những chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để có đề xuất phù hợp và hỗ trợ mở rộng các mô hình này; giao chỉ tiêu cho các địa phương về xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao để nỗ lực thực hiện.
Đến cuối năm 2021, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hà Nội có điểm đầu nhưng không có điểm cuối. Do vậy, các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh…
Hiện nay, Hà Nội đã có 382/382 xã về đích nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra. Hà Nội đã hình thành được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 141 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại và làng nghề cũng có sự tăng trưởng khá; đã và đang thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng hàng hoá, giá trị cao và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, kinh tế nông thôn phát triển góp phần tích cực vào việc cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân trên địa bàn Thủ đô. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt hơn 55 triệu đồng/năm.
Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao vượt trội như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng… Đa số các gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Đến nay, hơn 90% người dân khu vực nông thôn đã tham gia đóng bảo hiểm y tế; 100% các xã được kết nối internet; hầu hết các gia đình có điện thoại để sử dụng. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%; trong đó có 4 huyện không còn hộ nghèo gồm Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức.
Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã tiến hành thẩm định, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cho 3 xã cuối cùng của huyện Mỹ Đức là Đồng Tâm, An Phú, An Tiến.
Tại xã Đồng Tâm, thu nhập bình quân đầu người/năm 2021 ước đạt 55,2 triệu đồng/người, tăng 42,2 triệu đồng so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,18%; 100% số hộ được dùng điện an toàn; 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên tôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa…
An Phú là xã dân tộc miền núi nhưng cũng ghi nhận những khởi sắc rõ rệt. Tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã trong 10 năm qua là hơn 513 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư nguồn lực lớn từ thành phố, huyện và huy động nhân dân, đến nay cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, khang trang kiên cố. Toàn xã có 13/13 thôn có nhà văn hóa, 12/13 thôn đạt và duy trì danh hiệu "Làng văn hóa"; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trang thiết bị cho các trường học được đầu tư đồng bộ.
Dấu ấn nông thôn mới cũng hiện hữu rõ nét trên địa bàn xã An Tiến. Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, ứng dụng được một số khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho người dân; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 81,9 triệu đồng/ha/năm so với năm 2012.
Ông Đỗ Trung Hai, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mỹ Đức cho biết, nhờ những thành tựu của Chương trình nông thôn mới nên đời sống của nông dân ngày một nâng cao. Thu nhập đầu người của Mỹ Đức đạt 49,2 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.