Hà Nội: Khuyến cáo phòng, tránh cháy nổ mùa hanh khô

Những ngày vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn như: Cháy kho hàng đồ chơi diện tích 250m2 ở phường Định Công, quận Hoàng Mai ngày 18/11, thiệt hại trên 5,5 tỷ đồng; cháy nhà dân ở quận Long Biên đêm 21/11 và ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình ngày 23/11… Rất may, do triển khai chữa cháy kịp thời nên các vụ cháy không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, hậu quả mà các vụ cháy để lại cùng những thiệt hại về vật chất là rất nặng nề.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ cháy ngày 19/11 tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người. Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong dịp này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo các gia đình thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của thiết bị. Người dân cần kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy đường dây dẫn điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn như điều hòa, bình nóng lạnh,....

Người dân không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn; phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn, người dân phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Đồng thời, người dân không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi. Người dân không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở; trường hợp cần, phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Ô tô không nên để trong nhà ở, phòng ngừa xe tự cháy hoặc khói, khí độc khi nổ máy.

Cơ quan Công an yêu cầu, người dân hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan, không dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín. Nơi thờ cúng cần được bố trí hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ; chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã, gia đình phải có người trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn ống dẫn nhiên liệu, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Các hộ gia đình không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết; chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. Các gia đình cần chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn. Mỗi gia đình nên trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết và sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Khi xảy ra cháy, người dân cần tìm cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất; đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện các nội quy bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong cơ quan, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên vệ sinh công nghiệp, làm sạch thiết bị máy móc và bụi trong dây chuyền công nghệ sản xuất; kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công cụ phá dỡ để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Các đơn vị tổ chức tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Phòng, chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
Phòng, chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra một số vụ điện giật, cháy ảnh hưởng đến tính mạng người dân, thậm chí phát sinh cháy, nổ gây thiệt hại lớn về tài sản. Qua phân tích, có thời điểm có tới trên 73% số vụ cháy, nổ xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn điện sau công tơ vẫn đang bị bỏ trống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN