Hà Nội chủ động phòng, chống sa mạc hóa

Hà Nội tăng cường nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa.

Chú thích ảnh
Gọi là hồ điều hòa, song hồ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang trở thành "hồ chết". Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức

Là một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, Hà Nội đang quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số với mật độ cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước (2.398 người/km2). Đặc biệt, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền Hà Nội về phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, Hà Nội có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Hiện, Hà Nội chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn tại khu vực đô thị bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm…

Trước thực trạng trên, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp cùng nhân dân Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; quyết tâm triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chủ để Ngày Môi trường thế giới đặt ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức các hoạt động đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.

Theo đó, các đơn vị tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng, chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực...

Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và quy định về phân loại rác thải tại nguồn...

Các cơ quan truyền thông xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024; tăng cường nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, tập trung ở những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa.

Linh Khánh (TTXVN)
Ngày Môi trường thế giới năm 2024: 'Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa'
Ngày Môi trường thế giới năm 2024: 'Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa'

Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN