Hà Nội: Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, song tình trạng đốt rơm rạ, chất thải phụ phẩm sau thu hoạch vẫn diễn ra tại các huyện ngoại thành.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đốt rơm rạ ngay sát sân bay Nội Bài (ảnh chụp ngày 21/9/2020). Ảnh: Phạm Tùng

Đây là thói quen hình thành từ lâu của người dân nhằm nhanh chóng chuẩn bị đất cho vụ mới, nhưng hậu quả lại gây ô nhiễm môi trường nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân không chỉ khu vực nông thôn mà cả khu vực nội thành.

Không những vậy, khói bay từ việc đốt rơm rạ còn che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông khi di chuyển qua những khu vực đó.

Nhiều địa phương vẫn còn đốt rơm rạ

Đi ra khỏi nội thành, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh rơm rạ trên các cánh đồng được người dân chất đống rồi đốt, tạo thành những cột khói mịt mù. Khói bụi xuất hiện nhiều dần từ khoảng 21- 22 giờ tối, đạt đỉnh vào đêm rồi giảm dần.

Kết quả kiểm tra đột xuất tình trạng đốt rơm rạ tại một số khu vực nông thôn giữa tháng 6 vừa qua của Tổ công tác liên ngành thành phố Hà Nội cho thấy, các huyện chưa thực sự quyết liệt trong tuyên truyền, xử lý vấn đề này nên hoạt động đốt rơm rạ tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt triệt để.

Tại huyện Ứng Hòa, tổng số rơm rạ vụ Xuân năm 2021 phát sinh sau thu hoạch ước gần 46.000 tấn, đã được xử lý bằng các phương pháp như: Thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%. Tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn 11%,  xảy ra ở một số xã như: Hoa Sơn, Viên An, Đồng Tiến, Cao Thành…

Bà Vũ Thị Oanh, Phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hoà cho biết, UBND huyện đã nghiêm túc phê bình trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã khi để tái diễn tình trạng đốt rơm rạ; đồng thời yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xử lý và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm của các xã.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hoà, do diện tích các thửa ruộng còn nhỏ, khi thu hoạch sử dụng cơ giới nên việc thu gom rơm rạ sau thu hoạch rất khó khăn. Người dân ít quan tâm đến việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất. UBND huyện đã hỗ trợ người dân một phần kinh phí để mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, nhưng sau khi hết hỗ trợ thì người dân không tiếp tục chi trả nguồn kinh phí để mua, trong khi việc phát triển các ngành chăn nuôi để tận dụng rơm rạ làm thức ăn gia súc hoặc trồng nấm còn ít.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai, với 6.470 ha trồng lúa mùa vụ thì có tới 38.820 tấn rơm rạ thải bỏ. Mặc dù tình trạng đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng có chiều hướng giảm đáng kể trong những năm gần đây (chỉ còn khoảng 1%), song trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ.

Cũng như các địa phương khác, bên cạnh nguyên nhân do người dân không hợp tác trong việc hoàn đối ứng hoặc tự mua chế phẩm sinh học, giá thành chế phẩm xử lý cao thì một trong những nguyên nhân phải kể đến là chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng chưa rõ ràng, điều này gây khó khăn cho các huyện trong việc xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí.

Triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường

Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2, CO, SO2 cùng với hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, chưa nói tới việc thói quen này sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển.

Đề cập kết quả kiểm kê phát thải bụi mịn từ đốt rơm rạ trên địa bàn Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong vụ Đông Xuân 2021, lượng rơm rạ khô sau khi thu hoạch bỏ lại trên đồng ruộng khoảng 1.940 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt lên tới 43,2%. Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu này cũng cho biết sau khi sử dụng các số liệu về phát thải, kết hợp cùng các dữ liệu về khí tượng (nhiệt độ, lượng mây, hướng gió, tốc độ gió) cho thấy vùng ô nhiễm chính nằm ở phía Nam Hà Nội là thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai)...

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp",  các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, nhà quản lý đã chia sẻ các giải pháp hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Bên cạnh đó cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Cũng theo đề xuất của các chuyên gia, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải; phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành…

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 15 của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, UBND các huyện đã đưa ra kiến nghị thành phố và các đơn vị có liên quan có hướng dẫn cụ thể chế tài xử lý với hành vi đốt rơm rạ, tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố phối hợp với các huyện. Đồng thời, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện để ứng dụng, triển khai; định hướng, khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất…

Từ thực trạng cũng như những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và các nhà chuyên môn, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo về tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô.

Trước mắt, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Về việc xây dựng mạng lưới quan trắc, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường; tiếp tục rà soát, đề xuất đối với các dự án nằm trong quy hoạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Chia sẻ các giải pháp hiệu quả nhằm tái sử dụng rơm rạ
Chia sẻ các giải pháp hiệu quả nhằm tái sử dụng rơm rạ

Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO - là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, đường không trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN