Chiều 20/11, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các địa phương.
Từ báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, TP Hà Nội đang cách ly 7.793 trường hợp là các F1 và người nhập cảnh tại 25 cơ sở cách ly tập trung. Các quận, huyện đã rà soát, lập danh sách thành lập các khu cách ly tập trung nhằm nâng công suất lên 100.000 chỗ cách ly.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Dự kiến, mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có 1 địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Liên quan đến cách ly các trường hợp F1, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước đây, các trường hợp F1 cách ly tập trung, nhưng hiện nay công tác cách ly F1 sẽ linh hoạt hơn cho phù hợp tình hình thực tế. Hà Nội từng thực hiện tốt cách ly F1, F2 tại nhà đối với một số trường hợp đặc thù (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…). Tuy nhiên, công tác này vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, giám sát của chính quyền địa phương, công tác truyền thông cũng như ý thức người dân khi được cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà cũng sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan y tế khi số lượng các F0, F1 tăng…
Đáng chú ý, tại phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định: Dự báo ca bệnh COVID-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100 nghìn ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này. Thành phố đã thống nhất quan điểm, trừ 4 quận lõi (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) không cách ly tập trung F1 tại nhà. Các quận, huyện còn lại căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế xây dựng phương án đối với F1, trước tiên là cách ly tập trung, phương án 2 là cách ly tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tại nhà. Yêu cầu chỉ cách ly tại nhà khi đã nghiên cứu kỹ và có tiêu chuẩn cụ thể đáp ứng đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng giao Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế vận động cơ sở lưu trú cùng vào cuộc với Thành phố; các địa phương tham khảo hướng dẫn của Sở Y tế, Bộ Y tế và vận dụng linh hoạt, không phân biệt cơ sở lưu trú giữa các quận, huyện; Yêu cầu người đứng đầu các địa phương nắm bắt, chỉ đạo rà soát đến từng y tế xã, phường, thị trấn, thôn để giúp người bệnh tiếp cận sớm nhất khi có tình huống xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, Hà Nội sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, tại Bệnh viện Thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. "Phải có 4 cấp độ và chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống”, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Về việc cho học sinh đến trường trở lại, Phó Bí Thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch lần lượt cho học sinh các khối lớp đi học trở lại, nghiên cứu sớm cho học sinh lớp 12 được đến trường trực tiếp, không chờ đợi tiêm vaccine xong mới đi học. Các huyện, thị xã tổ chức cho học sinh lớp 9 đi học trở lại vào tuần sau.
Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị tổ chức cho học sinh đến trường ngay và phải xét nghiệm cho các em trước khi quay lại trường học. Sở Y tế lập nhóm xử lý y tế học đường, chủ động trong công tác tập huấn để kịp thời ứng phó khi xuất hiện ca bệnh trong trường học.