Chuyển đổi số hướng tới người dân

Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng ở nhiều cấp, ngành. Với đặc thù có nhiều cơ quan của nhà nước đóng chân, dân cư có trình độ cao, đòi hỏi hoạt động chuyển đổi số tại quận Ba Đình (Hà Nội) phải nhanh, mạnh nhằm đáp ứng tốt các công việc giữa chính quyền với công dân; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước trên địa bàn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Chú thích ảnh
Công tác chuyển đổi số đã và đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tại quận Ba Đình (Hà Nội). 

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số với phát triển kinh tế - xã hội, Quận ủy Ba Đình đã ban hành chương trình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, xác định cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng cơ quan số là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo và thực hiện.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình chia sẻ, quận đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, số hóa trước tiên ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp người dân như: Hộ tịch - tư pháp, Đất đai, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đô thị, Di tích; Y tế, Thanh toán không dùng tiền mặt... Cùng với đó, quận đã triển khai số hóa các văn bản của quận, thành phố để phục vụ hoạt động điều hành nội bộ liên thông từ quận tới phường. Trong quá trình triển khai, quận đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo thuận lợi cho người dân. Người dân được tham gia vào quá trình thực thi và phản biện chính sách; từ đó, tăng cường tính công khai, minh bạch.

Phường Quán Thánh (đơn vị tiên phong của quận Ba Đình trong việc tạo lập cơ sở dữ liệu, số hóa tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Ủy ban nhân dân phường) hiện có 97 thủ thục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết đã được tạo mã QR, công khai cho người dân. Mã QR của phường có sẵn những hướng dẫn, đường link giúp người dân tra được những thủ tục liên quan, khai báo sẵn ở nhà; sau đó gửi đến phường qua không gian mạng, nhận lịch hẹn ngày trả kết quả.

Chị Nguyễn Minh Trang (ở số 81, phố Yên Ninh, Quán Thánh) cho biết, chị đã vào quét mã QR để đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Trước đây, để làm hai thủ tục này, người dân phải mất thời gian đi lại và chờ đợi lâu. Hiện nay, chị chỉ cần thao tác trên điện thoại di động để thực hiện những yêu cầu của phường. Đúng hẹn, chị có mặt ở phường để nhận kết quả. Các thủ tục được tiến hành nhanh và tiện lợi.

Chú thích ảnh
Người dân quận Ba Đình thực hiện các thủ tục hành chính thông qua quét mã QR để khai báo các thông tin liên quan. 

Theo bà Đoàn Kim Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh, bà đã đăng ký với phường cho phép ứng dụng công nghệ thông tin để cho ra đời “Ngày không chờ”. Tức là vào thứ Năm hằng tuần, người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chứng thực và sao y sẽ được trả kết quả ngay, không phải chờ đợi.

Bà Đoàn Kim Thanh cho biết thêm, không dừng lại ở việc ứng dụng mã QR để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, phường đang triển khai số hóa hồ sơ công việc nội bộ trên môi trường điện tử theo quy chuẩn khép kín. Điều này giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường kiểm soát được quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ của bộ phận chuyên môn. Nếu chậm so với quy trình sẽ bị đốc thúc thực hiện ngay. Khi được số hóa, hiệu quả công việc sẽ được nâng lên. Việc tra cứu các văn bản từ thành phố đến quận được thực hiện dễ dàng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Triển khai chuyển đổi số tại tất cả các phường

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" phường Quan Thánh (Ba Đình). 

Không chỉ phường Quán Thánh, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo triển khai chuyển đổi số tại tất cả các phường trên địa bàn. Tại bộ phận "một cửa" của tất cả các phường đều có biển ghi mã quét QR. Khi quét mã QR, người dân có thể “chấm điểm” công chức phường về thái độ giải quyết công việc cho công dân.

Chuyển đổi số ở Ba Đình đã trở thành phong trào, không chỉ bó hẹp trong các cơ quan đơn vị hành chính. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn, nhiều tiểu thương đã đặt mã quét QR trước cửa hàng để người mua thuận tiện trong việc thanh toán. Cụ thể, chợ Long Biên đã có 800 hộ trên khoảng 1.000 hộ tiểu thương đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Liên, chuyên kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên cho biết, ban đầu việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa quen nên chị cũng ngại ngần. Tuy nhiên khi được Ban quản lý chợ tư vấn cùng sự hỗ trợ của ngân hàng, chị đã mở hai tài khoản để tiện cho khách thanh toán. Việc thanh toán qua ngân hàng rất tiện lợi, nhanh chóng, không lo lây lan dịch bệnh khi đưa tiền trực tiếp như trước đây. Hơn nữa, khi thanh toán qua ngân hàng, các tiểu thương không sợ bị tiền giả.

Ông Vũ Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý chợ Long Biên chia sẻ, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ đề nghị các hộ ký cam kết không dùng tiền mặt trong thanh toán khi ký mới đồng thuê ki-ốt.

Chú thích ảnh
Chợ Long Biên (Ba Đình) có tới 80% tiểu thương thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 

Năm 2023, quận Ba Đình đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được các cơ quan, đơn vị thuộc quận triển khai thực hiện; 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 60% hồ sơ công việc tại cấp phường được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người dân thuận tiện trong việc đặt lịch thăm, khám bệnh tại các bệnh viện... Để thực hiện mục tiêu trên, quận Ba Đình đã hợp tác với một đơn vị công nghệ có uy tín để từng bước triển khai các nội dung.

Cho biết thêm về quan điểm chuyển đổi số, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình nhấn mạnh, địa phương thực hiện chuyển đổi gắn với sự tham gia của người dân. Chuyển đổi số không chỉ giúp công khai, minh bạch các hoạt động mà còn là kênh thông tin tương tác giữa chính quyền với người dân nhằm tiếp thu, giải quyết ý kiến của công dân nhanh, chuẩn xác hơn.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Trang bị kiến thức chuyển đổi số cho thanh niên
Trang bị kiến thức chuyển đổi số cho thanh niên

Trong phiên làm việc thứ tư Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh diễn ra chiều 15/12 tại Hà Nội, đại biểu Lưu Đức Phong, Trưởng Phòng Nền tảng số, Trung tâm Chuyển đổi số, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Đoàn đại biểu Quân đội) đã trình bày tham luận chủ đề “Thanh niên xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN