Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, khách quan, có vai trò và tác động to lớn tới mọi mặt của cuộc sống. Ở Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “…Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số…”.
Quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức Đoàn từ cấp Trung ương đến cơ sở đã có nhiều giải pháp trong việc thực hiện chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình trong hoạt động, các tổ chức Đoàn đã triển khai các hệ thống thanh niên Việt Nam, ứng dụng quản lý đoàn viên; sổ tay đoàn viên với hơn 6 triệu đoàn viên thanh niên đang sử dụng.
Nhiều đoàn viên thanh niên ưu tú đã tham gia nghiên cứu và phát triển các công trình khoa học phục vụ chuyển đổi số đạt nhiều giải thưởng uy tín trong, ngoài nước.
Bên cạnh những mặt đạt được, theo đại biểu Lưu Đức Phong, xét một cách toàn diện, mở rộng phạm vi toàn quốc, việc triển khai tham gia chuyển đổi số của các tổ chức Đoàn vẫn tồn tại các hạn chế và chưa đồng bộ. Một phần nguyên nhân trở ngại đó là trình độ nhận thức, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa tương đồng nhau ở nhiều vùng miền, tỉnh thành, tổ chức, đơn vị. Công tác đào tạo chưa được triển khai thường xuyên và bài bản. Một bộ phận đoàn viên thanh niên còn có tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ số, chưa mạnh dạn dấn thân làm các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ.
Để đẩy mạnh việc phát huy vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong quá trình chuyển đổi số, đại biểu Lưu Đức Phong đưa ra một số nhóm giải pháp.
Trước hết, phổ cập và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên. “ Trung ương Đoàn phối hợp các bộ, ban, ngành ban hành các bộ thư viện kiến thức về chuyển đổi số, các khóa học/bài giảng/cuộc thi được biên soạn với nội dung số từ cơ bản đến nâng cao phù hợp với từng trình độ nhận thức; đưa việc đào tạo và trang bị kiến thức là hoạt động cốt lõi của các tổ chức Đoàn”, đại biểu Lưu Đức Phong đề nghị.
Nhóm giải pháp 2, đại biểu Lưu Đức Phong đề xuất là thực hành chuyển đổi số thực chất từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Về lực lượng, lấy đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên được đào tạo chính quy, có năng lực về chuyên môn, công tác làm hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng, đào tạo và lan tỏa chuyển đổi số tại tổ chức Đoàn, tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương.
Về tổ chức triển khai, Trung ương Đoàn làm đầu mối chủ trì, chỉ đạo và định hướng thực hiện chuyển đổi số trên toàn quốc thông qua việc xây dựng đề án có lộ trình, có đơn vị làm điểm theo cụm đoàn sau khi đạt hiệu quả sẽ thực hiện nhân rộng, lan tỏa.
Về cách thức thực hiện, từng tổ chức Đoàn chủ động xây dựng chương trình hành động chuyển đổi số, xung kích nhận việc mới, việc khó phù hợp với điều kiện của đơn vị, đặt hiệu quả lên hàng đầu, tránh sa đà vào hình thức, chạy đua thành tích. Trung ương Đoàn có thể tạo ra Ngày Thanh niên chuyển đổi số, Tháng Thanh niên chuyển đổi số để hưởng ứng và tổng kết/đánh giá kết quả theo các giai đoạn.
Thường xuyên lan tỏa tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các sáng kiến, các ý tưởng để giải quyết các vấn đề từ cơ sở/địa phương mình sinh sống cho đến những vấn đề của toàn bộ xã hội, qua đó giúp thúc đẩy quá trình chiến đổi số thiết thực và thực chất hơn.
Đại biểu Lưu Đức Phong đề nghị tăng cường giao lưu, chia sẻ tại các hội nhóm, diễn đàn được Trung ương Đoàn bảo trợ nhằm chia sẻ và học hỏi, đặc biệt tôn vinh các mô hình thành công của các đơn vị Đoàn trong cả nước. Hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến cùng như các chuyên gia uy tín từng lĩnh vực trong, ngoài nước để được tư vấn và hướng dẫn. Lấy trọng tâm thanh niên làm lực lượng trao đổi chính.