Các hoạt động trong Tháng Công nhân do tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai bao phủ ở nhiều mặt, từ chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đến đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động tham mưu với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đồng cấp, người sử dụng lao động, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động tri ân, cảm ơn người lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức tặng quà, thăm và trao trợ cấp công nhân lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 2,6 tỷ đồng; trao hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…
Các cấp Công đoàn Thủ đô từ Thành phố đến cơ sở đã phối hợp với các đơn vị y tế uy tín như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, các bệnh viện đa khoa trực thuộc Sở Y tế Hà Nội… tổ chức chương trình khám sức khỏe sinh sản, tầm soát phát hiện ung thư sớm, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đoàn viên, người lao động.
Trong đó, những trường hợp khám tập trung tại khu công nghiệp được hỗ trợ 1,2 triệu đồng; các trường hợp khám tại Bệnh viện hoặc làm xét nghiệm tầm soát phát hiện ung thư sớm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ghi nhận thực tế cho thấy, những đoàn viên, người lao động được tham gia chương trình đều bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo về sức khỏe, giúp họ có điều kiện, cơ hội kiểm tra tình trạng sức khỏe để yên tâm lao động sản xuất.
Trong Tháng Công nhân, thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố Hà Nội, nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”. Tại đó, bữa ăn ca của người lao động được bổ sung thêm giá trị dinh dưỡng hoặc tăng khẩu phần suất ăn so với suất ăn thường ngày.
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã tổ chức tôn vinh đoàn viên, người lao động tiêu biểu có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất. Năm 2024, toàn Thành phố có 62.520 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 2.230 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở; 100 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, kịp thời biểu dương, khen thưởng những công nhân lao động có thành tích tốt trong lao động sản xuất, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chú trọng triển khai sâu rộng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động, như: Giải Bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp Báo Lao động Thủ đô; chương trình “Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát”; Hội khỏe CNVCLĐ với các nội dung thi đấu như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co… Qua các hoạt động đã tạo cơ hội để đoàn viên, người lao động giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn.
Song song với các hoạt động trên, trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã phối hợp với chính quyền đồng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả các hoạt động nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Nổi bật là, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc với cử tri là cán bộ Công đoàn, người lao động Thủ đô. Hội nghị đã ghi nhận 18 ý kiến đóng góp xây dựng vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và các ý kiến phản ánh về đời sống, việc làm của người lao động.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các ý kiến của cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp thu toàn bộ, tổng hợp để tiếp tục tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa tiếng nói của người lao động đến nghị trường Quốc hội, cũng như cập nhật, bổ sung các ý kiến xây dựng vào các dự án Luật, chuyển đến cơ quan soạn thảo đầy đủ, nhằm thống nhất xây dựng các Dự thảo Luật sao cho bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, cán bộ và đoàn viên Công đoàn.
LĐLĐ Thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động Thủ đô. Tại Hội nghị, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, công nhân lao động đã nêu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội…
Ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan giải đáp kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động. Các ý kiến giải đáp đều được công nhân lao động đánh giá cao.
Bên cạnh các hoạt động cấp Thành phố, nhiều LĐLĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với đoàn viên, người lao động. Nhiều Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” để người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, lắng nghe đoàn viên, người lao động đề xuất ý tưởng, giải pháp nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất - kinh doanh; kiến nghị giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững và phát huy tinh thần trách nhiệm của công nhân trong đồng hành với doanh nghiệp thúc đẩy năng suất lao động.