Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đốc thúc tiến độ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Ngày 13/6, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kiểm tra tình hình thi công dự án và làm việc với các bên liên quan. 

Chú thích ảnh
Đến thời điểm này, gói thầu số 8 xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 đến Km13+017,92 đã hoàn thành gần 32% khối lượng thi công, đảm bảo tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra công trường thi công cầu vượt đường sắt tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tiến độ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Theo đó, địa phương đã giải phóng mặt bằng được trên 98% diện tích mặt bằng toàn dự án trên tuyến dường dài trên 58 km, phần mặt bằng còn lại khó khăn, còn phải di chuyển 242 ngôi mộ còn lại/tổng số 10.100 ngôi mộ; di chuyển các hộ dân; di chuyển đường điện cao thế. Hiện đã hoàn thành 13/13 khu tái định cư ở những địa điểm đẹp nhất, các hộ dân đủ điều kiện đã di chuyển, nhiều hộ đã làm nhà. Đối với một số hộ dân sinh sống trên phần đất cha mẹ để lại, sinh con đẻ cái, chia tách hộ nằm trong khu vực đã được quy hoạch gần 20 năm nay, không được cấp sổ đỏ thành phố sẽ vận dụng chính sách tối đa để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân.

Đối với dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc đang lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu trong tháng 6/2024 để lựa chọn nhà đầu tư, theo Bí thư Thành ủy cần đẩy nhanh việc tách 2 cây cầu qua sông Hồng và 1 cầu qua sông Đuống triển khai sớm để khi xây dựng đường cao tốc bên trên vẫn có thể đưa vào khai thác đường song hành bên dưới thông qua các địa phương, kết nối với các cây cầu sớm phát huy hiệu quả dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, trong 6 tháng qua, mặc dù các địa phương đã rất cố gắng đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn khá chậm. Theo đó, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ nhưng giải phóng mặt bằng đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo.

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển ngầm nổi, dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo nội dung tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội (trước ngày 16/6/2024). Về di chuyển điện cao thế, đến nay, ban quản lý dự án chưa cắt điện để di chuyển các tuyến cáp điện tại vị trí thuộc đường găng của dự án.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng thông tin những tồn tại trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Cụ thể, dù có bước tiến về khối lượng dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội nhưng vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trong năm 2023, đến nay đã giải phóng xong 98%, phần còn lại rất khó khăn thuộc phần đất ở, mồ mả, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật; trong đó, có đường điện cao thế.

“Ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô các quận, huyện, nơi tuyến đường đi qua cần cố gắng tập trung cao độ, các sở ngành chức năng bám sát để xử lý, đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng kế hoạch đề ra”, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu.

Để đáp ứng tiến độ đề ra, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đề nghị, đối với giải phóng mặt bằng đất ở, thu hồi đất bổ sung để nghị các địa phương còn lại sớm phê duyệt giá đầu đi, đầu đến trước ngày 30/6/202423. Hiện nay, một số địa phương có tình trạng chênh lệch lớn giữa giá đầu đi và đầu đến gây khó khăn trong việc chi trả và đồng thuận của người dân, ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng.

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính nghiên cứu có giải pháp để tháo gỡ. Để nghị các địa phương hoàn thành công tác thu hồi đất bổ sung đối với phạm vi 22/36 móng cột điện cao thế còn lại trước ngày 30/7/2024… Đối với phạm vi xứ lý nền đất yếu cần được bàn giao mặt bằng trước ngày 31/3/2024 để hoàn thành gia tải trong tháng 6/2024. Các địa phương cần đẩy nhanh khảo sát, lập thẩm định phê duyệt phương án di chuyển 36 ngôi mộ còn lại trong phạm vi thi công đường song hành trước ngày 30/7/2024, những ngôi mộ còn lại không ảnh hưởng đến mặt bằng thi công phấn đấu hoàn thành di chuyển trong năm 2024...

Tuyết Mai (TTXVN)
Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ vướng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ vướng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

UBND huyện Mê Linh đã đề xuất, xin ý kiến UBND thành phố xem xét cơ chế đặc thù trên địa bàn huyện để sớm hoàn thành việc thu hồi đất ở, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN