Đôn đốc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Ngày 4/1, tại trụ sở Tỉnh ủy Hưng Yên, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chủ trì Hội nghị giao ban đôn đốc tình hình triển khai dự án.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Chú thích ảnh
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị .

Tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, với tổng chiều dài 112 km, đi qua 3 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án được triển khai 7 dự án thành phần, vận hành độc lập gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công (các dự án thành phần 1.1, 1.2 và 1.3); 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công (các dự án thành phần 2.1, 2.2 và 2.3) và dự án thành phần 3 (dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng, bám sát tiến độ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án trước 30/6/2023. Tuy nhiên, với sự nỗ lực các địa phương đã giải phóng mặt bằng trên 80% và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước 31/12/2023 (thực tế đạt 93,92% toàn dự án). Như vậy, tiến độ giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng theo Nghị quyết 106/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Việc phê duyệt dự án, thiết kế sau  thiết kế cơ sở để tổ chức lựa chọn thầu thi công đường song hành, cơ bản đáp ứng tiến độ; việc khai thác vật liệu đã bước đầu được tháo gỡ; trong đó, 2 mỏ cát đã được các nhà thầu hoàn thành công tác đăng ký khai thác, 1 mỏ đất sẽ hoàn thành thủ tục, đưa vào khai thác trong tháng 1/2024.

Tuy nhiên, việc di chuyển mộ còn chậm, đến nay số lượng mộ còn lại, khoảng 4.016 ngôi mộ. Việc thẩm định, phê duyệt hạng mục di chuyển công trình ngầm nổi, biệt là dị chuyến tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV còn chưa đáp ứng tiến độ đề ra (thành phố Hà Nội đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu; các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở).

Theo ông Nguyễn Chí Cường, dự kiến trong năm 2024, các địa phương tập trung thực hiện giải phóng đối với 84,57 ha còn lại (thành phố Hà Nội 27,35 ha; tỉnh Hưng Yên 34,6 ha; tỉnh Bắc Ninh 22.62 ha) và di chuyển 4.016 ngôi mộ. Dự kiến việc di dời mồ mả sẽ thực hiện xong trước ngày 31/3/2024. Đối với các mộ hung táng (chưa cải táng) không ảnh hưởng mặt bằng thi công đường song hành, phấn đấu hoàn thành di chuyển trong năm 2024. 

Cùng đó, các địa phương tập trung di chuyển ngầm nổi các hạng mục điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước, phấn đấu hoàn thành trước 30/4/2024 hoàn thành di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV trong năm 2024; tập trung huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị, máy móc tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục công trình trên toàn tuyến, phần đấu hoàn thành các đoạn tuyến đường song hành không phải xử lý nền đất yếu trong năm 2024, hoàn thành các đoạn tuyển còn lại trong năm 2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát quy hoạch đối với các mỏ vật liệu (cát), đất đắp để giới thiệu cho các nhà thầu trúng thầu thi công Dự án áp dụng cơ chế đặc thù (ưu tiên giới thiệu các mỏ cát tại khu vực phía Đông và Đông Bắc của thành phố Hà Nội nhằm cung ứng đủ cát đắp nền cho đường Vành đai 4, gồm cả đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như hỗ trợ cho đoạn qua địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Tháo gỡ những vướng mắc

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho rằng, khi thực hiện thu hồi đất Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phải thu hồi đất của một số doanh nghiệp; trong đó có một số doanh nghiệp bị thu hồi hết đất sản xuất hoặc thu hồi phần lớn diện tích đất, phần diện tích còn lại không đủ để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều mong muốn đề nghị tỉnh bố trí vị trí khác để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quốc Văn cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và doanh nghiệp UBND tỉnh Hưng Yên đã chấp thuận vị trí xây dựng các khu sản xuất tập trung để di dời các doanh nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, việc thực hiện các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khu sản xuất tập trung nêu trên như dự án sản xuất kinh doanh mới sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, hiện nay việc xác định giá đất ở đã được UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện thực hiện, tuy nhiên các địa phương vẫn lúng túng trong việc thực hiện. Trong khi đó, việc chồng lấn dự án đường Vành đai 4 với ranh giới quy hoạch với dự án khu công nghiệp Thuận Thành I (khoảng 4,5 ha), cộng với việc tỉnh không có mỏ vật liệu nên không chủ động về khối lượng và giá thành nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, nhất là nhờ sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, kết quả công việc đạt được tương đối toàn diện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, nhiệm vụ phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Trước mắt, các địa phương phấn đấu di dời mồ mả trước ngày 23 tháng Chạp (2/2/2024); Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong việc đẩy nhanh tiến độ di chuyển ngầm nổi các hạng mục điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin trước ngày 15/1/2024, phấn đấu hoàn thành hệ thống ngầm nổi trên toàn tuyến trước ngày 30/6/2024; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường song hành…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên giao cho các cơ quan chuyên môn ba địa phương tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết; đồng thời tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm của nhau để tháo gỡ, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Bài và ảnh: Quang Nhiều (TTXVN)
Điều chỉnh Dự án 'Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1'
Điều chỉnh Dự án 'Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1'

Ngày 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1730/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1” sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN