Với tinh thần "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội; đồng thời để thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm "Chăm lo việc làm, đời sống người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam" và năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" của thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội triển khai chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" tới toàn thể đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cấp Công đoàn.
Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong hai năm (2022 -2023), đội ngũ công nhân viên chức - lao động Thủ đô đóng góp ít nhất 130.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 5/2022), thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phấn đấu đóng góp ít nhất 40.000 sáng kiến; khối cơ quan hành chính sự nghiệp phấn đấu ít nhất 12.000 sáng kiến.
Giai đoạn 2 (từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023), chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; chào mừng Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phấn đấu đóng góp ít nhất 60.000 sáng kiến; khối cơ quan hành chính sự nghiệp phấn đấu có ít nhất 18.000 sáng kiến.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" tập trung thể hiện tinh thần thi đua yêu nước giai đoạn hiện nay.
Đó là: Đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn; xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình; gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, năm 2021, toàn thành phố Hà Nội có 60.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; 3.655 công nhân lao động được công nhận "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở; trong đó riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 35%. Số công nhân bậc 3,4,5 đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 chiếm trên 35%; một số công nhân lao động đạt các giải tại Hội thi tay nghề khu vực và quốc tế. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã lựa chọn quyết định tặng Bằng công nhận cho 100 công nhân lao động đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô".
Đáng chú ý, năm 2021 đã có 63.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 4.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã xét chọn và công nhận 50 "Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" tiêu biểu và tặng Bằng khen cho 50 cá nhân có thành tích trong phong trào "Sáng kiến, sáng tạo".