Vun đắp "trồng người"

Hôm qua, hơn hai chục triệu học sinh trong cả nước đã tưng bừng đón năm học mới. Mở đầu năm học này, cả thầy lẫn trò đều được đón nhận tin tốt lành. Với học trò, ngành giáo dục đã công bố hai nội dung quan trọng trong năm học: Giảm tải và điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT. Với các thầy cô: Phụ cấp thâm niên được áp dụng từ tháng 9/2011 sẽ mang lại cho họ một khoản thu nhập, làm vơi bớt khó khăn trong cuộc mưu sinh (nhất là với giáo viên ở nông thôn, miền núi...). Bước vào năm học mới như vậy, có thể nói là vui vẻ, thuận lợi. Nhiều kỳ vọng được đặt ra trong năm học 2011- 2012 này.

Tuy vậy, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà đều canh cánh bao nỗi niềm về việc dạy và học ở ta hiện nay: Chất lượng đội ngũ người thầy đang bộc lộ nhiều bất cập mà câu chuyện mới nhất là điểm tuyển sinh các trường sư phạm năm học này chỉ mấp mé điểm sàn ("đầu vào" như vậy, khó mà mong "đầu ra" chất lượng cao). Chất lượng học sinh cũng đáng lo ngại với những lỗ hổng kiến thức ở nhiều môn (nhất là khoa học xã hội) và sự thiếu hụt về đạo đức ở một bộ phận giới trẻ. Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất ở nhiều trường nông thôn, miền núi. Cơ cấu "dạy" đang nặng về kiến thức mà nhẹ phần kỹ năng sống (tai nạn sông nước dẫn đến cái chết đau lòng của 6 học sinh ở Mê Linh, Hà Nội ngay trước thềm năm học mới là một dẫn chứng cho sự lệch này)...

Những chuyện nêu trên mới chỉ là những vấn đề cụ thể; ngành giáo dục Việt Nam còn đang đứng trước vấn đề cực lớn, vấn đề gốc rễ: Xây dựng triết lý giáo dục.

Tuy vậy, chuyện giáo dục không chỉ là của ngành giáo dục. Nhân dịp năm học mới bắt đầu, giáo dục đào tạo trở thành tâm điểm trong dư luận mà câu hỏi do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra với các em học sinh PTTH Việt Đức "Học để làm gì?" đã được thảo luận sôi nổi, đồng thời mở rộng sang cả lĩnh vực "Dạy để làm gì?". Có nhiều ý kiến rất khác nhau, song những cuộc thảo luận cho thấy một điều: Giáo dục đào tạo là việc cực kỳ to lớn và quan trọng, không thể phó thác cho một mình ngành giáo dục mà phải có sự phối hợp thực hiện của toàn xã hội. Chỉ có nhà trường dạy dỗ mà gia đình buông lỏng thì khó có trò ngoan, trò giỏi. Ngành giáo dục cố gắng nhưng các ngành hữu trách không phối hợp nhịp nhàng thì hệ thống giáo dục khó hoàn hảo.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhấn mạnh "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Để có những "sản phẩm giáo dục chất lượng cao", trách nhiệm của ngành giáo dục là rất lớn, song mỗi người, mỗi nhà, mỗi ngành, mỗi cấp đều cần góp tay vun đắp "trồng người".

Hà Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN