Chính sách tài chính khắc khổ của Liên minh châu Âu vừa bị giáng một đòn mạnh sau khi đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một trong hai kiến trúc sư của đường lối kinh tế này, thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 6/5/2012. Đây là một dấu hiệu nữa chứng tỏ rằng người dân châu Âu tiếp tục “trừng phạt” các chính phủ ủng hộ thắt chặt chi tiêu.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục là bằng chứng về thực trạng hoạt động sản xuất của châu Âu đang rất bi đát trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh do người dân không có cách nào khác ngoài việc phải siết chặt hầu bao. Hiện trạng kinh tế ngày một xấu đi, một số nền kinh tế hoặc đã chính thức hoặc đang ngấp nghé bên bờ vực suy thoái.Hậu quả của việc châu Âu thực hiện các biện pháp khắc nghiệt có thể sẽ kéo dài và vô cùng trầm trọng khi hình bóng của cuộc khủng hoảng việc làm trên toàn bộ Eurozone đã bắt đầu xuất hiện. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, đặc biệt là tỷ lệ này ở thanh niên lên tới 50%.
Châu Âu đang mất phương hướng khi chính sách kham khổ bắt đầu phản tác dụng. Nếu như cách đây khoảng hai năm, thắt lưng buộc bụng đã cứu các nạn nhân của cơn bão khủng hoảng nợ công tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ thì đến thời điểm hiện tại, chính sách này đang đẩy nền kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ hàng loạt.
Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét việc thay đổi đường lối kinh tế. Đầu tiên là Italia khi chính phủ của Thủ tướng Mario Ponti công bố thực thi chính sách chú trọng tăng trưởng thay vì hạn chế chi tiêu. Ông Francois Hollande, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, đã có kế hoạch hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Ponti. Trọng tâm hội đàm được dự đoán là thay đổi chính sách kinh tế kham khổ của châu Âu vì trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Hollande đã cam kết sẽ tập trung vào việc kích thích kinh tế tăng trưởng.
Sự thất bại của một loạt chính phủ ủng hộ các biện pháp kinh tế kham khổ trong các cuộc bầu cử tại Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Rumani và Pháp là dấu hiệu cho thấy khu vực đồng euro nên cân nhắc việc thay đổi chính sách. Có thể nói, đã đến thời điểm cần phải tháo bỏ chiếc vòng kim cô mà Brúcxen kiên trì sử dụng trong hai năm qua để kiềm chế bội chi ngân sách, nếu không muốn nó tiếp tục bóp chết bất kỳ dấu hiệu phục hồi kinh tế nào khi vừa mới manh nha. C.T
Cẩm Tuyến