Theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, kể từ ngày 15/11 tới đây, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình, hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới; Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia; Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân phải được lập thành văn bản và gửi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện; ấn định thời gian giải quyết và cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho công dân được biết.
Tiếp dân là công việc rất quan trọng, không chỉ nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà còn nhằm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị từ nhân dân để phát huy và củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tổng hợp trí tuệ của nhân dân phục vụ công tác xây dựng, bảo vệ đất nước. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước ta từ lâu đã rất coi trọng việc tiếp dân. Luật Tiếp công dân được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2013; Ngày 26/-5/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề này; Gần đây hơn, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân…
Hoạt động tiếp công dân giúp các cơ quan, chính quyền kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh. Những kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn xã hội sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và tìm ra những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức và quản lý, từ đó có thể đưa ra được những giải pháp để điều chỉnh sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Có thể nói, việc tiếp công dân vì thế đã trực tiếp giúp cơ quan nhà nước nhận biết, tự sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của mình, cũng như kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý hành vi trái pháp luật, phát huy quyền của nhân dân.
Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua tiếp công dân, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết. Việc giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân và giữa người dân với cơ quan Nhà nước được tiến hành đúng pháp luật, kỷ cương và có hiệu quả. Công tác tiếp công dân của các ngành các cấp có những tiến bộ và dần đi vào nề nếp góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân. Từ những cuộc tiếp dân, nhiều vấn đề, thông tin đã được tiếp nhận, giải quyết, trả lời thấu đáo, giảm đáng kể những vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Tuy vậy, thực tế cho thấy hoạt động tiếp dân ở các cấp vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là còn mang tính chất thủ tục, hình thức. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được thực hiện tốt ở cấp cơ sở như xã, huyện, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Việc tổ chức đối thoại để người dân được trình bày những vướng mắc, trở ngại, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, qua đó chính quyền nắm rõ để giải quyết chưa được chính quyền cấp cơ sở chú trọng. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý cán bộ có sai phạm sau thanh tra ở một số nơi còn chậm, kéo dài, khiến công dân mất niềm tin.
Trong công tác tiếp công dân, vẫn còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó thực hiện, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết và tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đó là chưa kể một số cán bộ tiếp dân còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, về hiểu biết xã hội, khả năng giao tiếp và đạo đức nghề nghiệp.
Theo báo cáo tại Hội nghị góp ý Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nạo, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào ngày 11/10 vừa qua, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân, và trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều đồng chí chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có đồng chí không tiếp dân ngày nào. Tình trạng tiếp dân theo kiểu đối phó, chỉ mời người ủng hộ đến để tung hô, ngợi khen, ngăn cản người có nhu cầu thực sự tới dự tiếp dân, cũng đã được đại biểu quốc hội phản ánh.
Những năm qua, pháp luật về tiếp công dân đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện, nhưng từ chủ trương đến hiệu quả thực tế thì còn phụ thuộc vào việc thực hiện có thực chất, minh bạch hay không. Người đứng đầu các cấp cần coi hoạt động tiếp công dân là cơ hội để lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân, từ đó có những biện pháp giải quyết, xử lý thấu tình đạt lý.
Tiếp công dân thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập được những thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chính sách, chủ trương, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Việc đánh giá hoạt động tiếp dân, tiếp thu ý kiến đóng góp, giải quyết những khiếu nại, tố cáo của nhân dân vì thế phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, của người đứng đầu các cấp, bộ, ngành.