Hơn 10 trận động đất và rung chấn diễn ra ở Bắc Trà My (Quảng Nam) và các huyện lân cận trong mấy ngày qua khiến cho nỗi lo của người dân và chính quyền tăng lên, dù rằng một số nhà khoa học của các cơ quan có trách nhiệm khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn hết sức an toàn.
Song, như lãnh đạo của huyện Bắc Trà My thừa nhận, mấy ngày nay họ luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”. Bởi họ hiểu được tâm lý của đồng bào dân tộc Cor và Ca Dong rằng, càng trấn an thì người dân lại càng bán tín bán nghi; trong khi đó trách nhiệm của những người lãnh đạo địa phương lúc này trước hết là phải “an dân”.
Nhưng “an dân” giữa một bên từ dư luận, một bên từ người dân trải qua 5 trận động đất trong một đêm làm nhà cửa bị nứt, lở và hàng ngàn người dân sống dưới chân đập Sông Tranh 2 - một con đập thủy điện chưa xây xong đã thấm nước, bao nhiêu nhà khoa học, chuyên gia phải vào cuộc để “bắt bệnh”, và dù khẳng định nó sẽ an toàn; song người dân không thể không lo ngại trước những hiện tượng như vậy!
Khoa học có tiêu chuẩn và không chấp nhận cảm tính. Nhưng người dân, nhất là trong đời sống thường nhật, không phải lúc nào cũng trông chờ vào các kết luận khoa học mà chủ yếu họ nhận biết thông tin, xử lý tình huống bằng trực quan, kinh nghiệm và cả cảm tính nữa.
Vì thế, trong vụ việc ở đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ người dân và cả cán bộ không có chuyên môn thường đặt câu hỏi rằng, ở nước ta và trên thế giới có đập thủy điện nào chưa xây xong đã rò rỉ như đập thủy điện Sông Tranh 2 hay không?
Cụ thể hơn, người dân liên hệ ngay với ngôi nhà của mình; rằng nhà chưa xây xong mưa đã dột, tường đã thấm nước thì ngôi nhà ấy có được lâu bền hay không? Vì thế, khi những trận động đất xảy ra, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện, cho biết, ngày nào cũng nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ lãnh đạo Trung ương đến tỉnh, sở ban ngành, người thân, bạn bè và anh em phóng viên báo chí từ khắp cả nước, nhiều người dân địa phương lo sợ trực tiếp nhắn tin, để biết thông tin về “sức khoẻ” con đập trước những cơn động đất này và tiếng nổ phát ra từ trong lòng đất.
Tuy nhiên để “an dân”, lãnh đạo địa phương lại phải trông chờ vào kết quả khoa học; cũng vừa là cách để họ tự trấn an. Do đó, nói như ông Trần Anh Tuấn: “Lãnh đạo chính quyền huyện và người dân hơn khi nào hết trông chờ vào sự trung thực của các nhà khoa học trong quá trình khảo sát tìm nguyên nhân động đất trong lúc này. Động đất đang tiến gần đến ngưỡng thiết kế của đập sông Tranh 2 rồi, không thể không chủ quan được. Nếu động đất còn tiếp diễn và trường hợp vượt ngưỡng sẽ như thế nào. Ai dám khẳng định động đất sẽ không lớn hơn”?
Câu hỏi đó liên quan đến cuộc sống và sinh mệnh của hàng ngàn người, nó phải được trả lời bằng lương tâm, đạo đức và tài năng của các chuyên gia và các nhà khoa học.
Nguyễn Quang Vinh