Thương trường... ấm áp!

Phải khẳng định đó là mục tiêu mà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần đạt được, tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 16-17/12 ở Brúcxen (Bỉ) hay trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng nợ tại các quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đẩy EU vào thế bí, khi giải pháp lớn nhất đưa ra lại vấp phải những luồng quan điểm trái ngược cần tới sự thỏa thuận. Sự khắc nghiệt trên thương trường đang thách thức sự tồn tại của Eurozone, đe dọa hủy hoại uy tín của EU và đẩy nhiều nền kinh tế vào thảm kịch.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy(phải) tại cuộc họp báo sau ngày thứ nhất của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu(EU).


Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã thực sự nghiêm trọng khi ngay trước thềm hội nghị, Xlôvakia “bóng gió” rằng họ có thể rút khỏi Eurozone và quay lại sử dụng đồng nội tệ curon. Khi EU thận trọng sửa đổi Hiệp ước Lixbon để từ đó thành lập quỹ cứu trợ thường trực sau khi quỹ chống khủng hoảng chung hiện nay của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hết hiệu lực năm 2012, Xlôvakia cùng một vài nước khác vẫn "lăn tăn" nhiều.


Với họ, việc trợ giúp một số nước thành viên EU đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công là một hành động vô trách nhiệm, bởi có thể gây ra nhiều rắc rối cho những nước thành viên khác không mắc nợ.

Lo ngại đó có cơ sở, bởi không phải các nền kinh tế trong Eurozone đều "to" như nhau, mạnh đồng đều hay tương đồng chính sách. Nhưng trong cùng khu vực đồng euro, cùng gắn chặt với một thị trường, các nước thành viên vẫn phải tuân theo một chính sách tiền tệ chung khắc nghiệt.


Có nước thích lãi suất cao (như Đức) để thu hút vốn, không sợ bị cạnh tranh. Có nước (như Tây Ban Nha) lại cần một đồng tiền yếu để tăng thế cạnh tranh trong giá hàng hóa xuất khẩu. Rốt cục, hệ thống tiền tệ thống nhất này vô hình trung lại tạo ra nguy cơ lạm phát cao ở những nước kém khả năng cạnh tranh do phải tiếp cận luồng vốn đắt đỏ.


Điều đó dẫn đến nợ xấu ở các nước này, từ đó đẩy bất đồng trong Eurozone tăng lên khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bị cho là vì quyền lợi của một số nền kinh tế mà hy sinh quyền lợi của các nền kinh tế khác.

Thương trường là vậy. Nhưng các nhà quan sát cho rằng, khi là một liên minh, nhiệm vụ của EU không chỉ là lập quỹ cứu trợ vì đó không phải là giải pháp lâu dài, lại có thể gây ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác.


EU cần đặt mục tiêu cải cách triệt để hệ thống thuế, siết chặt lại ngân sách, giám sát khả năng cạnh tranh và đề ra các quy định để kiểm soát cuộc khủng hoảng, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện thể chế liên minh. Quan trọng hơn, EU phải sốc lại tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau, vì đó là điều kiện cần và đủ để tạo nên một thương trường ấm áp.

Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN