Thau bể ra màu nước

Ba ngày sau khi có công bố nước sinh hoạt “đã ở ngưỡng an toàn”, người dân một số chung cư tại Hà Nội bàng hoàng thấy bể nước mở ra để thau rửa có lớp bùn đen kịt, đặc sệt, bốc mùi dầu khét lẹt.

Trong cuộc họp báo giữa tâm điểm ô nhiễm dầu thải, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Nước sạch Sông Đà, thừa nhận trước báo chí là không dám chắc về lượng chất styren đậm đặc hòa tan trong nước (hợp chất hữu cơ dạng lỏng không màu) ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Cộng với những thông tin về quy trình xử lý nước sạch chặt chẽ do Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp, dư luận hiểu rằng dầu thải chảy khi qua các khâu xử lý rất tiên tiến thì chỉ còn “hoà tan trong nước, không màu” nên mới dễ dàng lọt vào đường ống, vào bể chứa các chung cư, rồi chuyển tới từng hộ dân.

Chú thích ảnh
Lớp bùn đen đặc sệt, bốc mùi khét tại bể nước tòa nhà Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội) khi mở ra thau. Ảnh Lê Phú

Tuy nhiên tới khi sự cố đã (tạm thời gọi là) lắng xuống, thông báo về các kết quả xét nghiệm nước ở nhà máy và hộ dân đã đạt quy chuẩn, thì người dân mới ngã ngửa bởi sự thật hé lộ từ bể nước được mở ra thau rửa. Nếu lãnh đạo nhà máy nước sạch Sông Đà cho rằng việc bị đổ trộm dầu thải là sự cố ngoài ý muốn khiến họ cũng bị thiệt hại, và việc dầu hoà tan trong nước sau khi đã được xử lý là khó phát hiện nên vẫn chuyển nước về cho các hộ dân, thì tại sao lại có lớp bùn đặc sệt, mà chỉ nhìn mắt thường cũng có thể kết luận là dầu thải của sự cố vừa qua, trong các bể nước chung cư? Chắc hẳn không phải dầu thải sau khi hoà tan trong nước trở nên không màu, khi về tới các bể chứa để sử dụng, lại “gọi nhau” tụ lại thành cả tảng đặc sệt đen kịt và khét lẹt thế kia? Có cách lý giải nào để xoá đi giả thuyết nước lẫn dầu đã chỉ được xử lý qua loa, rồi đi thẳng tới khâu tiêu thụ?

Trong trường hợp nước vẫn đi qua đầy đủ các công đoạn xử lý, thì rõ ràng công nghệ xử lý nước của Nhà máy nước Sông Đà là có vấn đề. Công nghệ xử lý có lạc hậu, thì sau khi chạy qua cả một hệ thống lọc với đầy đủ quy trình, nước đến tay người tiêu dùng mới có thể vẫn nồng nặc mùi, hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép như những ngày qua và hiển hiện bằng lớp (có thể gọi là) bùn lẫn dầu nơi đáy bể. Cung cấp nước cho 1/4 nhu cầu của toàn thành phố là một trách nhiệm không nhỏ;  hàng hóa liên quan tới sức khỏe con người và Thủ đô là địa bàn quan trọng cần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, nhưng Nhà máy đã không đầu tư xứng đáng cho dây chuyền công nghệ.

Điều đáng nói ở đây là với tư cách doanh nghiệp, Nhà máy nước sạch Sông Đà có lý do cho việc không đầu tư; nhưng cơ quan nào thẩm định, kiểm tra, kiểm nghiệm thường xuyên đối với dây chuyền công nghệ lạc hậu đó, để có thể cấp phép và cho phép duy trì hoạt động qua suốt bao tháng năm? Không kiểm soát được chất lượng nước từ đầu nguồn do không có một phương án bảo đảm an ninh cho hồ chứa, công nghệ lọc nước không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, năng lực xử lý khi có sự cố xảy ra hết sức yếu kém…, trách nhiệm của doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Nhưng chắc chắn, cùng với doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị chức năng đã thiếu tầm nhìn quản lý, lơi lỏng kiểm tra, giám sát, đôn đốc và dự báo việc đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đặc biệt cung cấp cho Thủ đô, cũng không hề vô can.

Thêm vào đó, là việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước từ cơ quan quản lý. Sau sự cố, qua báo chí, người dân mới được biết, ngành Y tế Hà Nội chỉ định kì thực hiện quan trắc, kiểm nghiệm chỉ tiêu nước thô (đầu vào) và nước sạch (đầu ra) 1 tháng/lần với chỉ tiêu A (nhà máy thực hiện nội kiểm 1 tuần/lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra 1 tháng/lần); 6 tháng/lần chỉ tiêu B và 2 năm/lần chỉ tiêu C. Trong khi đó, nguồn nước cung cấp đến người dân là liên tục, không ngừng nghỉ. So sánh giữa thực tế và hoạt động kiểm nghiệm định kỳ, đủ thấy tần suất kiểm nghiệm đã khó lòng bao quát và đảm bảo cảnh báo ngay khi có sự cố xảy ra. Với cơ quan chịu trách nhiệm về sức khoẻ của người dân, lại là đối với sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí tính mạng của không chỉ một vài người mà là trên diện rộng, thì việc chấp nhận tần suất kiểm nghiệm này có phải là hoàn toàn hình thức hay không?

Còn rất nhiều, rất nhiều câu hỏi của hàng vạn người dân đã và đang phải hàng ngày hàng giờ sống chung với nguy cơ bị đầu độc bởi nguồn nước không được bảo đảm từ đầu nguồn, tới xử lý, vận chuyển và phân phối. Vẫn chưa một ai, một cơ quan, tổ chức nào trả lời hay đứng ra nhận trách nhiệm về sự tắc trách trong vụ việc này. Cho dù các bể nước đã mở, để lộ ra cả mùi khét lẫn vệt bùn đen.

Thuỳ Hương
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước là vi phạm hết sức nghiêm trọng
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước là vi phạm hết sức nghiêm trọng

Liên quan đến vụ việc nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng loạt hộ dân Hà Nội, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng, nhất là khi các đối tượng đã đổ chất thải vào môi trường nước sinh hoạt, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN