“Sổ đỏ”- có bớt...

Chắc hẳn nhiều người không lấy làm bất ngờ với kết quả điều tra về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2015 vừa được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố: Có khoảng 44% số người khi làm thủ tục liên quan đến “sổ đỏ” trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới được việc.

Đã có không ít vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực này bị phanh phui, nhiều cán bộ có hành vi nhũng nhiễu đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực cấp “sổ đỏ” vẫn không giảm; thậm chí thủ đoạn còn tinh vi hơn. Bởi thế, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc kiểm tra cấp “sổ đỏ” lần này là cần phải làm rõ đâu là sự nhũng nhiễu của đội ngũ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ, đâu là nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách liên quan đến những văn bản quy phạm pháp luật, những thủ tục hành chính...

Được đánh giá là một trong hai thành phố đứng đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa, nhưng nhiều năm qua, Hà Nội lại khá mang tiếng về quy trình cũng như tiến độ cấp “sổ đỏ”. Ý thức trách nhiệm của cán bộ thụ lý hồ sơ, vi phạm của các chủ đầu tư ở các dự án nhà ở chung cư... không chỉ làm tiến độ cấp “sổ đỏ” của Hà Nội luôn ì ạch, mà còn khiến người dân phải chịu thiệt thòi, tốn kém thời gian và tiền bạc. Nguy hại hơn là làm giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền.

Phải thấy rằng, sự phức tạp của công tác quản lý đất đai cộng thêm sự thiếu trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ đã làm cho công tác cấp “sổ đỏ” trở nên phức tạp, khó khăn. Thực tế cho thấy, thủ tục làm "sổ đỏ" hiện chưa được đơn giản hóa, có quá nhiều nhiêu khê. Đây chính là kẽ hở để những cán bộ làm công tác địa chính vòi vĩnh, nhận hối lộ. Tình trạng kéo dài thời gian, bắt người dân phải chờ đợi xảy ra khá phổ biến.

Cách đây chưa lâu, tại buổi giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội về công tác cấp “sổ đỏ”, một phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố kể lại câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Ông phó giám đốc nọ đóng vai chủ một doanh nghiệp đến bộ phận một cửa của một quận nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho một dự án. Hồ sơ của ông ngay lập tức bị nhân viên tiếp nhận trả lại với lý do chưa đủ theo quy trình, mà bộ hồ sơ đó theo ông, đã được Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố thẩm định, chỉ cần bổ sung thêm thủ tục, thế nhưng người cán bộ tiếp nhận lại bắt ông phải làm mới từ đầu!

Từ sự việc trên cho thấy, ngoài ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thì bất cập về trình độ của cán bộ thực thi nhiệm vụ là một trong những nguyên nhân làm cản trở đến tiến độ cấp “sổ đỏ” hiện nay. Có ý kiến nhận xét rằng, thủ tục về hồ sơ cấp “sổ đỏ” chẳng khác gì “ma trận” khiến cho người có nhu cầu được cấp “sổ đỏ” không biết phải thực hiện thế nào cho đủ, cho đúng. Những người trong cuộc thì đánh giá, sai sót chủ yếu là ở cấp xã, phường trong việc thụ lý hồ sơ, mà nổi cộm là việc “hành” thêm các loại giấy tờ ngoài các thủ tục đã công bố.

Thực tế hiện nay, phần lớn báo cáo của các địa phương về cải cách thủ tục hành chính mới chỉ đề cập đến số lượng hồ sơ đã được tiếp nhận và giải quyết, còn việc giải quyết có đúng thời gian quy định hay không, chất lượng ra sao thì không được đề cập. Tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng niêm yết thủ tục không đầy đủ, hoặc không cập nhật, khiến người dân gặp khó khăn, phải làm đi làm lại nhiều lần khi hoàn thiện hồ sơ. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp “sổ đỏ” tại nhiều địa phương trong cả nước.

Những bất cập nêu trên, nếu không nhanh chóng khắc phục; đặc biệt quy trình, thủ tục cấp “sổ đỏ” chậm được cải tiến, e rằng việc cấp “sổ đỏ” sẽ tiếp tục trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.


Y.N
Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng
Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng

Thời gian gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đăng tải vấn đề thực phẩm đe dọa tới sức khỏe người dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN