Smartphone trong trường học: Cấm hay quản?

Lời kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong lớp học trên toàn cầu mà UNESCO vừa đưa ra đã làm nóng lại cuộc tranh luận về vấn đề này.

Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, người ta lại đọc được ít nhất vài cái tiêu đề báo như: “Thủ khoa đạt điểm tuyệt đối khối A toàn quốc không dùng điện thoại”, “Thủ khoa khối D07 toàn quốc: Một tháng chỉ sử dụng điện thoại 1 lần”, “Nam sinh lớp 9 quyết tâm 'cách ly' điện thoại, trở thành thủ khoa học sinh giỏi tỉnh”…

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thanh Tùng - TTXVN

Những dòng tít như vậy tạo cảm giác muốn học giỏi, thi đỗ, đạt điểm cao thì học sinh cần tránh xa chiếc điện thoại. Trong thực tế, sử dụng hay không sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) không phải là yếu tố quyết định học lực của một học sinh. Vấn đề ở đây là ý thức tự giác của học sinh và người lớn cần giúp học sinh xây dựng ý thức đó.

Vậy lý do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra lời kêu gọi trên là gì? Theo tổ chức này, mục đích cấm điện thoại thông minh tại trường học để cải thiện khả năng học tập của học sinh, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bắt nạt qua mạng. UNESCO tuyên bố có bằng chứng cho thấy sử dụng điện thoại di động quá mức liên quan đến giảm thành tích học tập và thời gian sử dụng thiết bị điện tử lâu có tác động tiêu cực đến ổn định cảm xúc của trẻ em.

Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục trên khắp thế giới, UNESCO ước tính cứ 6 quốc gia thì có một quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học, thông qua luật hoặc hướng dẫn. Ví dụ, Pháp đã đưa ra chính sách này vào năm 2018. Cuối năm 2022, Italy cũng cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học để ngăn học sinh quay video. Hà Lan bắt đầu áp dụng các biện pháp cấm từ năm 2024. Lập luận mà Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf đưa ra là: “Mặc dù điện thoại di động gắn liền với cuộc sống của chúng ta nhưng thiết bị này không thuộc về lớp học”.

Trong khi đó, quan điểm về vấn đề này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta đưa ra tại điểm 4, điều 37 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020. Cụ thể điểm 4 này quy định điều học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, quan điểm chung của bộ là không cấm và học sinh có thể dùng điện thoại để hỗ trợ hoạt động học tập trên lớp. Nhưng trong thực tế ở Việt Nam, có nhiều trường học cấm tuyệt đối và cũng có trường quản lý lỏng lẻo việc học sinh sử dụng thiết bị này tại trường.

Cả hai cách làm trên đều gây phản ứng mạnh và đều chưa hoàn hảo. Với những trường cấm tuyệt đối học sinh mang điện thoại đi học, lý do được đưa ra là để ngăn học sinh chơi game, vào mạng xã hội, quay phim, chụp ảnh bạn bè, thầy cô… Khi nhà trường cấm tuyệt đối, các phụ huynh và học sinh cho rằng đó là hành vi vi phạm quyền riêng tư, gây khó dễ khi cắt đứt liên lạc giữa học sinh và người nhà. Nhà trường cấm nhưng có phụ huynh vẫn đành cho con lén lút mang theo vì cần liên lạc sau giờ học.

Còn với những trường cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp học, các thầy cô lại gặp khó khăn trong kiểm soát hành vi của toàn bộ lớp học, chỉ có thể trông chờ vào ý thức của từng học sinh. Không ít học sinh vẫn tìm mọi cách để chạm vào chiếc điện thoại đầy cám dỗ ngay trong giờ học, dẫn tới tình trạng bị phân tâm, sao nhãng bài giảng. Còn trong các giờ nghỉ giải lao, hình ảnh học sinh túm tụm quanh chiếc điện thoại trở nên ngày càng phổ biến. Lẽ ra các em nên dành thời gian đó để vận động, trò chuyện với nhau trong thế giới thực thay vì mải mê với thế giới ảo khó thoát ra được.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thanh Tùng - TTXVN

Cần phải thừa nhận rằng học sinh thời nay sinh ra trong thời đại số, làm quen với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh từ khi còn bé. Trong thế giới hiện đại, thiết bị điện tử nói chung và điện thoại thông minh nói riêng trở thành một phần quan trọng đến mức khó có thể thiếu, nhất là trong thời kỳ học trực tuyến do đại dịch COVID-19. Chiếc điện thoại cũng như một con dao, nhà nào cũng có, nên không thể vì sợ con trẻ đứt tay mà người lớn cấm các em dùng dao.

Vậy nên trong bối cảnh ở Việt Nam, cấm học sinh sử dụng nó là điều khó, thậm chí bất khả thi, đôi khi còn phản giáo dục, vì bản thân chiếc điện thoại không phải là điều xấu, không phải là chất cấm, không phải là vật nguy hiểm. Nếu nhà trường, giáo viên, phụ huynh có thể song hành hướng dẫn, đặt ra quy tắc sử dụng điện thoại thông minh, thì thay vì lợi dụng hay lạm dụng, học sinh có thể tận dụng, sử dụng hiệu quả thiết bị này quá trình học tập, kể cả ở trường và ở nhà.

Dù vậy, quản chứ không cấm là điều nói dễ hơn làm. Điện thoại thông minh, đặc biệt là khi kết nối internet, là thứ đầy mê hoặc, cám dỗ, dễ gây nghiện. Ngay cả người trưởng thành cũng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để dứt ra một khi đã đắm chìm trong thế giới đó. Do đó, cấm hay quản điện thoại di động tại trường học là bài toán mở, nhiều lời giải, nhiều đáp án tùy vào môi trường, bối cảnh, đôi khi không thể rập khuôn mô hình của nước ngoài. Đáp án nào tốt nhất cho học sinh sẽ là điều được lựa chọn.

Thùy Dương
Thoát hiểm cho nhà ống
Thoát hiểm cho nhà ống

Nhà là tổ ấm bảo vệ con người, vì thế hãy biến nó thành nơi thật an toàn trước bất cứ tình huống nào xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN