Hành khách tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Điều đáng nói, năm ngoái, sân bay này cũng bị liệt vào danh sách tệ nhất cũng do website trên bình chọn. Không nên đặt vấn đề, thông tin của website The Guide to Sleeping in Airports là thiếu khách quan, phiến diện, mà cần phải nhìn nhận, những mặt yếu kém, cần phải rút kinh nghiệm, sửa đổi. Khó phủ nhận, dịch vụ ở một số sân bay trong nước hiện nay (trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất) vẫn mang nặng sự độc quyền, quyền lợi của hành khách bị xem nhẹ, thậm chí hành khách phải chịu thiệt hại khi đi máy bay, mà lỗi không phải ở họ (bị hoãn chuyến, chậm giờ bay, mất cắp hành lý, thái độ phục vụ thiếu nhã nhặn của nhân viên hàng không...). Những biểu hiện như vậy, ít nhiều đã làm xấu đi hình ảnh của sân bay Tân Sơn Nhất, sâu xa hơn là làm mất đi thiện cảm của khách quốc tế đối với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Thực tế, thời gian gần đây, rất nhiều hành khách than phiền về quy trình làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho hành khách. Như ở nhà ga quốc tế, hành khách phải xếp hàng rồng rắn qua 3 khâu thủ tục. Đầu tiên là phải trình thủ tục với công an cửa khẩu, rồi đưa hành lý lên máy soi chiếu của hải quan, sau đó là công đoạn lấy hành lý để kiểm tra an ninh. Rất nhiều hành khách cảm thấy bức xúc, vì phải xếp hàng lâu mà còn bị kiểm tra nhiều lần chỉ trong phạm vi hẹp.
Có người đặt câu hỏi, tại sao không gộp kiểm tra hải quan và an ninh vào một? Cũng không thể đổ lỗi cho sự quá tải mà ảnh hưởng chất lượng phục vụ hành khách của sân bay. Hiện nay, rất nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện “một cửa” trong khâu thủ tục hành chính nhằm bớt phiền hà cho dân. Lẽ nào, cách làm này lại không được áp dụng ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các sân bay khác ở nước ta. Thực tế, với hệ thống hạ tầng hiện nay của ngành hàng không, thì việc đạt 100% số chuyến bay đúng giờ là không thể, nhưng với những điều kiện chủ quan mà khắc phục được để nâng cao khả năng phục vụ, giảm bớt phiền hà cho hành khách, thì hoàn toàn có thể. Nói cách khác, có những nguyên nhân đang làm cản trở chất lượng phục vụ hành khách của ngành hàng không, như công tác điều hành bay thiếu khoa học, công tác kiểm tra an ninh, vận chuyển hành lý, đón trả khách tại cảng hàng không còn nhiều bất cập; buông lỏng việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại sân bay... hoàn toàn là nguyên nhân chủ quan và có thể khắc phục được, nếu ngành hàng không xác định rõ đó là trách nhiệm của mình, cầu thị và quyết tâm thực hiện.
Đừng vội đánh giá thông tin từ The Guide to Sleeping in Airports là chưa toàn diện và đầy đủ. Hãy tiếp nhận thông tin trên với tinh thần cầu thị, những gì đúng thì cần tiếp thu và phân tích thấu đáo nguyên nhân từ đâu để có giải pháp khắc phục. Nếu không, rất dễ vào thời điểm này năm sau, Tân Sơn Nhất tiếp tục lại có tên trong danh sách sân bay tệ nhất châu Á.