1. Chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) chọn là "Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" cho thấy sự bức xúc và nguy hại của tình trạng kháng thuốc đang diễn ra tràn lan hiện nay.
2. Theo y học, kháng kháng sinh là khả năng các virút, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó; còn nôm na trong dân gian gọi là “nhờn thuốc”. Hậu quả là khi bị mắc bệnh do nhiễm khuẩn, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị sẽ không còn hiệu quả.
3. Nhờn thuốc là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và không đúng cách dẫn đến lạm dụng thuốc. Có nhiều yếu tố gây nên, trong đó có thói quen chữa bệnh theo kiểu bắt chước, rỉ tai nhau của người dân; tình trạng nhà thuốc bán không cần đơn, thậm chí người dân có thể đến kể bệnh để mua thuốc, còn bác sĩ (tư) thì khám bệnh kiêm luôn bán thuốc mà dân gian gọi là “hiệu thuốc kê đơn; bác sĩ bán thuốc”. Như vậy có thể thấy, nhân tố gây nên tình trạng nhờn thuốc là do bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân.
4. Nhưng, vấn đề then chốt của tình trạng nhờn thuốc, nói cho cùng là ở khâu sử dụng thuốc của người bệnh. Và, một câu hỏi đặt ra: Tại sao người bệnh lại dễ dàng sử dụng thuốc một cách bừa bãi như vậy? Câu trả lời là do sự dễ dãi của nhà thuốc! Nhưng tại sao các nhà thuốc lại có thể bán thuốc một cách vô tội vạ, không cần đơn thuốc như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là ở công tác quản lý!
5. Nói như thế để thấy, muốn chống kháng thuốc, hay nói cách khác là chống nhờn thuốc, để cả nhân loại và bản thân mỗi người chúng ta không bị rơi vào thảm cảnh “ngày mai không thuốc chữa” thì ngoài việc nâng cao nhận thức cho người dân và ý thức của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, việc trước tiên và cơ bản là phải xóa bỏ cho được việc bán thuốc không cần đơn như hiện nay.
Như vậy, vấn đề mấu chốt chính là công tác quản lý. Và, đây là vấn đề không chỉ trong câu chuyện “nhờn thuốc”.
Tuệ Duyên