Nhập khẩu… 'tử thần'

Thông tin về 7 trường hợp tử vong vì virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc (tính đến ngày 10/4) không thể không khiến người ta phải giật mình. Dù nước ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm loại virus cúm gia cầm mới này, nhưng khi mà gia cầm nhập lậu từ biên giới các tỉnh phía Bắc còn chưa được loại trừ, thì không có gì bảo đảm chủng virus nguy hiểm này không theo chân gà lậu vào nội địa, đe dọa đến tính mạng người dân.


Tỷ lệ người tử vong cao cùng mức độ nguy hiểm của loại virus cúm gia cầm H7N9 làm nhiều người liên tưởng tới dịch cúm A/H5N1 từng hoành hành ở nước ta cách đây vài năm.Theo cảnh báo của ngành y tế, mức độ nguy hiểm của virút cúm gia cầm H7N9 cực kỳ nguy hiểm.


Sự lây lan của loại virus này chủ yếu từ chất thải của gia cầm ra môi trường và từ môi trường lây lan sang người. Đặc biệt với những người trực tiếp giết mổ, chế biến gia cầm, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Bằng chứng là tất cả những người mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm.


Còn theo Viện Thú y, Bộ NN&PTNT, virus H7N9 có độc lực thấp với thủy cầm, nhưng với gia cầm trên cạn, như gà thì độc lực rất mạnh, khi mắc bệnh, tỷ lệ tử vong rất cao. Do vậy, nếu để lọt virus này vào nước ta, sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, những hiểm họa từ gà nhập lậu từ biên giới là nhãn tiền.


Tại Hội nghị triển khai "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013" diễn ra ở Đồng Nai ngày 9/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thêm một lần cảnh báo những nguy cơ từ gà nhập lậu, trong đó có việc mang virus cúm lây sang gà nội địa. Có tới 20 đến 40% số gia cầm nhập lậu chứa virus cúm và 70% chứa các hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép, đang đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng. “Khi người buôn lậu vì lợi nhuận cao, khi sự vào cuộc của chính quyền xã, phường chưa đúng mức, thì chưa tạo được áp lực lên án những người kiếm thu nhập bằng việc hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người và hủy hoại thu nhập của hàng vạn người nuôi gia cầm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, bình quân mỗi ngày có từ 3 đến 5 tấn gà thải loại nhập về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ, chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các tỉnh biên giới, tình trạng nhập lậu gia cầm tuy không công khai như trước, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Những kẻ buôn lậu giở các thủ đoạn hết sức tinh vi để vận chuyển gà thải loại về nội địa tiêu thụ, như giết mổ gà trước rồi đóng vào thùng xốp ướp đá, vận chuyển bằng thuyền (Lào Cai), bằng đường biển (Quảng Ninh); bằng xe khách, xe tải, xe máy và mới đây nhất là bằng ô tô du lịch 4 chỗ ngồi... Thật đáng lên án, trong khi chính quyền và người chăn nuôi ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) đang ra sức chăm lo cho đàn gia cầm đảm bảo chất lượng, được thị trường tín nhiệm, thì một cá nhân ở huyện này lại dùng xe 4 chỗ ngồi chở hàng trăm kg gà thải Trung Quốc về địa phương, định "hòa" vào đàn gà Yên Thế để tiêu thụ!


Vì sao gia cầm nhập lậu vẫn có đất sống ở thị trường nội địa? Theo các cơ quan chức năng, 1 kg gà nhập lậu từ Trung Quốc giá chỉ 10.000 đồng, nhưng bán ở thị trường trong nước gấp 7 đến 8 lần (khoảng 70.000 đến 80.000 đồng/kg). Đó là mức lãi siêu lợi nhuận nên các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp và dùng mọi thủ đoạn để vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép.


Rõ ràng, virus cúm H7N9 vẫn là mối họa treo lơ lửng nếu tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu không được ngăn chặn. Vấn đề đặt ra là chỉ với sự quyết tâm của cơ quan chức năng thôi chưa đủ, mà mỗi người dân phải ý thức được mối nguy hiểm đối với bản thân và xã hội, hãy bằng hành động cụ thể tẩy chay với gà nhập lậu. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu gia cầm hãy nghĩ đến cộng đồng, trong đó có cả những người thân của mình. Tuy nhiên, trước hết và trên hết vẫn là việc thực thi pháp luật nghiêm minh của các cơ quan công quyền trong việc xử lý các vụ buôn lậu gia cầm.



Yến Nhi

Quyết liệt chặn dịch cúm H7N9 xâm nhập
Quyết liệt chặn dịch cúm H7N9 xâm nhập

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ giữa tháng 2/2013 đến nay, tại Trung Quốc liên tiếp xuất hiện các ca bệnh cúm A/H7N9 tại Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy. Đến ngày 10/4 đã có 33 người nhiễm bệnh, trong đó 9 người đã tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN