Trung Quốc đã chính thức khởi động dự án nghiên cứu phát triển vắcxin phòng bệnh cúm A/H7N9, một phần trong chương trình hành động khẩn cấp của Trung Quốc nhằm đối phó với chủng virút mới này. Theo thông báo chung của Bộ Khoa học - Công nghệ và Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia ngày 10/4, lô vắcxin đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất xong trong vòng 7 tháng nữa.
Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 5 khu vực mới có gia cầm nhiễm virút cúm A/H7N9 ở các khu chợ bán gia cầm sống thuộc tỉnh Giang Tô, An Huy và Chiết Giang. Tính đến ngày 11/4, Trung Quốc đã ghi nhận 38 trường hợp nhiễm virút cúm A/H7N9, trong đó 10 bệnh nhân đã tử vong, 1 bệnh nhân được xuất viện.
Trong khi dịch cúm chưa có dấu hiệu ngừng lại, chính quyền thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã yêu cầu người dân tiêu hủy toàn bộ gia cầm trước đêm 16/4. Người nào ở Nam Kinh không tuân theo yêu cầu trên sẽ bị phạt. Hơn 2.000 người đã được chính quyền Nam Kinh huy động để hỗ trợ người dân tiêu hủy gia cầm. Một quan chức ở Bắc Kinh cho rằng biện pháp này của chính quyền Nam Kinh "đi quá xa và có thể gây hoảng loạn".
Tại Bắc Kinh, các nông trại nuôi gia cầm đã dựng hàng rào lưới để bảo vệ gia cầm bị nhiễm cúm từ chim di cư.
Tại Đặc khu Hành chính Hồng Công, Bộ trưởng Giáo dục đặc khu này, ông Eddie Ng ngày 11/4 đã kêu gọi các trường học cảnh giác trước các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H7N9.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng chủng virút cúm A/H7N9 gây chết người ở Trung Quốc có thể lây từ chim hoặc các động vật khác sang người. Hai nhóm nghiên cứu đã phân tích chuỗi gien và các đặc tính của virút H7N9 trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ bốn bệnh nhân nhiễm virút này. Cả hai nhóm cùng phát hiện rằng sự đột biến gien khiến chủng cúm này dễ lây nhiễm sang người qua màng nhầy ở mũi và cổ họng.
Thùy Dương