“Nhà máy làng”

1. Hiện nay đang tồn tại khá nhiều nghịch cảnh liên quan đến mối quan hệ giữa nông dân, nông thôn với phát triển công nghiệp và đô thị.

Đó là tình trạng các nhà máy sử dụng lao động phổ thông (điển hình là lĩnh vực may mặc), chủ yếu có nguồn gốc từ nông thôn, không ổn định được nguồn nhân lực do công nhân “nhảy việc”. Trong khi đó, lao động nông thôn đi làm việc tại các nhà máy nhiều người phải chịu trăm bề cực khổ như đồng lương thấp trong khi chi phí sinh hoạt rất cao do xa nhà nên phải thuê nhà trọ, tiền điện nước, gửi con cái… mà điều kiện sống vẫn khổ cực. Đó là chưa kể đến cảnh chen tàu xe ngày Tết khi về thăm quê.

Đó là việc hết thời vụ (mà thời vụ nông nghiệp hiện nay thường rất ngắn), lao động nông thôn lại phải lao ra thành phố kiếm việc tạo sức ép lớn lên các đô thị về sự quá tải của hệ thống hạ tầng và an ninh trật tự, thậm chí cả tệ nạn xã hội. Trong khi đó lại để lại nhiều vùng nông thôn vắng hiu vắng hắt, nếu không muốn nói là tiêu điều, xơ xác…

Đó là còn nhiều chuyện bất cập khác như chuyển dịch cơ cấu ở nông thôn chậm, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp thấp, chi phí vận chuyển cao…; và, gắn kết cộng đồng ở nông thôn đang bị phân hóa dữ dội…

Những điều này không những cản trở tiến trình xây dựng nông thôn mới mà còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững của nước ta.

2. Mới đây, trong ngành may mặc đã xuất hiện một “điển hình” mới với việc đưa nhà máy về nông thôn của Tổng công ty May Hưng Yên. Ngoài nhà máy chính ở thị xã Hưng Yên, May Hưng Yên đã đưa nhà máy về hầu hết các huyện trong tỉnh, kể cả các huyện được coi là “vùng sâu, vùng xa” của Hưng Yên như Phù Cừ, Tiên Lữ...


Việc làm này không những giải quyết được bài toán nhân lực cho cả doanh nghiệp và vùng nông nghiệp mà còn tạo cú hích để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết cơ bản những khó khăn trong cuộc sống cho công nhân khi họ “ly nông nhưng không ly hương”. Mặt khác, cũng giảm sức ép lên các đô thị và các khu nông nghiệp…


Nếu những nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp hoặc cung cấp sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp thì cái lợi còn lớn hơn thế.

3. Từ việc đưa nhà máy về làng này có thể nghĩ đến việc xây dựng những cụm công nghiệp nhỏ trong vùng nông nghiệp. Như thế vừa tạo được sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, vừa kích thích phát triển văn hóa – xã hội ở nông thôn và sâu xa hơn là tạo sự phát triển bền vững cho cả đô thị và nông thôn.

4. Tuy nhiên, mặt trái của câu chuyện “nhà máy làng” cũng không phải là không có. Đó là chuyện mất đất nông nghiệp ở cả những nơi bờ xôi ruộng mật và đặc biệt là vấn đề môi trường mà các doanh nghiệp và các nhà quản lý phải chú trọng ngay từ đầu, nếu không thì lợi bất cập hại và hậu quả sẽ khôn lường.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN