Một loại tội ác!

Tại Hội nghị triển khai đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 6/11, khi mổ xẻ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm ngày càng khó kiểm soát, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhiều lần dùng từ “tội ác”, mà đã là tội ác thì phải kiên quyết trừng trị, loại bỏ.


Không còn nghi ngờ gì, đó là tội ác khi người ta ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ CO 2,4D để làm chuối chín vàng; đưa chất cấm, kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi và thực phẩm gây độc hại cho sức khỏe... Phải thấy rằng, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua mặc dù đã có bước chuyển biến ở nhiều lĩnh vực, nhưng lại nảy sinh những vấn đề gây bức xúc hơn. Điều đáng nói, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ tác động đến người tiêu dùng trong nước mà còn làm ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Việc các thị trường châu Âu, Nhật Bản… liên tục cảnh báo về sản phẩm thịt xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhiễm dư lượng kháng sinh, không những làm thiệt hại về mặt kinh tế, mà hơn thế còn làm mất uy tín với các bạn hàng truyền thống.

2. Diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 10 những ngày đầu tháng 11, khi lấy ý kiến đóng góp vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), rất nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm vào bộ luật, cần phải nâng tội ác này lên mức xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe. Có đại biểu phân tích, tại Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội phạm buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm... không có từ “sử dụng” và cũng có không quy định về xử lý khi dùng chất cấm; hoặc xử lý hình sự đối với những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm... Trên thực tế, rất nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, như tiêm thuốc an thần vào lợn; sử dụng chất Ethephon (còn gọi "thúc chín tố") để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ; đưa hàn the vào giò chả, dùng đạm ure ướp cá; đưa formaldehyde vào bánh phở... được cơ quan chức năng phát hiện, nhưng không thể xử lý do những bất cập về luật. Đơn cử, mới đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện khoảng 1.000 mẫu thực phẩm nhiễm Salbutamol (chất tạo nạc), nhưng đáng trách, đường dây cung cấp chất này đã không được truy đến cùng. Theo Bộ NN&PTNT, ở Việt Nam, không có cơ sở sản xuất chất salbutamol. Chất cấm này vào nội địa bằng đường nhập lậu hoặc doanh nghiệp được phép nhập khẩu, rồi tuồn ra thị trường.

3. Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường cho thấy kẽ hở trong luật và lỗ hổng trong công tác quản lý. Cần phải chỉ đích danh, quy trách nhiệm rõ ràng, đồng thời phải xử lý kiên quyết, triệt để những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý, nhưng vì lợi ích cục bộ mà làm chiếu lệ, làm cho có; vì lợi ích cục bộ hoặc tư túi cá nhân, mà coi thường kỷ cương, coi thường sức khỏe cộng đồng.

Để triệt chất cấm, cần phải “đánh” mạnh từ gốc, bằng cách điều tra, xử lý các đầu mối, đầu nậu buôn bán và cung cấp chất cấm. Kinh nghiệm về ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm và cá tầm lậu (2012-2013) cho thấy, chỉ khi điểm mặt tận nơi và truy quét tới cùng đường dây buôn lậu, thì tình hình mới chuyển biến.

Yến Nhi
Đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi
Đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi

Ngày 10/11, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh phía Bắc, tham dự còn có 8 tỉnh phía Bắc xung quanh Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN