Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, phường Hoàng Liệt có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều khu chung cư cao tầng đưa vào sử dụng. Từ đó dẫn tới việc phường nhận thêm rất nhiều hộ dân cư trong đó có gia đình có con nhỏ về sinh sống. Thứ hai là việc tăng dân số tự nhiên ở trên địa bàn phường. Với tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hàng năm dẫn tới sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường Hoàng Liệt là rất lớn. Năm học 2022 - 2023, có 939 hồ sơ đăng ký cho trẻ vào trường mầm non Hoàng Liệt, nhưng trường chỉ đủ khả năng tiếp nhận 559 trẻ. Do đó, nhà trường buộc phải tổ chức bốc thăm (chia làm 2 vòng, vòng 1 lấy số thứ tự, vòng 2 kết quả trúng tuyển). Việc nhà trường tổ chức bốc thăm khiến nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
Nếu như ở khu vực nông thôn, cơ cấu dân số thay đổi không đáng kể, trẻ từ 3-5 tuổi sẽ nghiễm nhiên được vào trường mầm non công lập và phụ huynh chẳng phải bận tâm về chuyện con em mình học ở trường nào. Nhưng với các khu vực đô thị thì hoàn toàn khác, nhất là những đô thị lớn, nơi mật độ dân số đông và liên tục có sự dịch chuyển, phần lớn trường công lập không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của trẻ. Có lẽ trong điều kiện như vậy, giải pháp bốc thăm mà trường mầm non Hoàng Liệt thực hiện được cho là giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, việc làm trên đã gây ra dư luận trái chiều, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu. Với điều kiện về cơ sở hạ tầng, phòng học, giáo viên đứng lớp, thì trường mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể đảm bảo chỉ tiêu cấp trên giao, nếu tuyển vượt chỉ tiêu sẽ không đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
Còn với phụ huynh học sinh, khi con không được học trường công lập, phải theo học ở trường tư thục, thì dĩ nhiên mức học phí sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Với những phụ huynh điều kiện kinh tế hạn hẹp, thì việc con không vào được trường công là nỗi lo rất lớn về tài chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, các khu đô thị mọc lên nhanh chóng ở quận Hoàng Mai nói riêng và ở Thủ đô nói chung là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng căng thẳng về trường lớp học. Theo thống kê, mỗi năm số học sinh cấp tiểu học ở quận Hoàng Mai tăng khoảng 5.000 em. Riêng phường Hoàng Liệt, nơi có nhiều chung cư cao tầng, hiện đã có 3 trường tiểu học, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi số lượng học sinh tăng không tương ứng với cơ sở vật chất trường học hiện có, thì cũng đồng nghĩa với việc có thể cùng sinh sống trên một địa bàn, cùng tuyến tuyển sinh, nhưng con của phụ huynh này được vào học, con của phụ huynh khác phải gửi ở các nhà trẻ tư thục.
Sự việc phải tiến hành bốc thăm để có suất vào trường công lập ở quận Hoàng Mai đã để lại bao nỗi trăn trở về công tác quy hoạch cũng như dự báo về phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô.
Từ nhiều năm qua, Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán áp lực sĩ số do thiếu trường học. Quỹ đất được quy hoạch dành cho giáo dục trong các khu đô thị tại các quận, huyện hầu hết được phê duyệt đầu tư theo mô hình xã hội hóa, bởi vậy, hầu hết quận, huyện đều rất khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất xây dựng trường học. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị chỉ mang tính cầm chừng, tiến độ chậm, do đó dẫn đến áp lực đổ dồn vào khối trường công lập. Đó là chưa kể, có những quận, huyện, đất cho trường được quy hoạch từ nhiều năm trước, nên không còn phù hợp với thực tế. Cho dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ, như chỉnh sửa quy hoạch, bố trí lại tuyến tuyển sinh, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học... nhưng để đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh vào các trường công lập, vẫn rất xa vời.
Thời gian gần đây, dư luận từng nhiều lần lên tiếng về một số khu đô thị ở Hà Nội bị điều chỉnh quy hoạch khiến không gian sống ở những khu vực này trở nên ngột ngạt, bộ mặt đô thị lộn xộn, chất lượng sống của người dân giảm sút... Nhiều khu đất trong quy hoạch được bố trí làm trường học công lập, nhưng sau đó lại chuyển đổi công năng sang xây nhà ở thương mại, thậm chí khách sạn. Hệ lụy của việc “băm nát” quy hoạch đô thị đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng của thành phố.
Trở lại vấn đề đầu tư cho hạ tầng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong dài hạn, thì việc ưu tiên quỹ đất xây trường học được coi là giải pháp căn cơ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có chính sách khuyến khích xây dựng trường tư thục để thu hút học sinh, giảm bớt gánh nặng cho trường công lập.