Lối thoát

Tới thời điểm này người ta vẫn ví Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như một tòa nhà đang bốc cháy, không có lối thoát và một số nước đang dần chết ngạt. Hơn một nửa gian còn lại trong tổng thể mái nhà chung châu Âu có nguy cơ bị ngọn lửa lan sang, thiêu trụi và Liên minh châu Âu (EU) có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Nguy cơ này sẽ sớm trở thành hiện thực nếu Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brúcxen (Bỉ) tuần này không tìm ra lối thoát cho Eurozone, đồng nghĩa với việc xác định con đường sống cho chính mình.

Ở góc độ nào đó, cuộc khủng hoảng nợ công đã giúp châu Âu thấy được hai điểm yếu cơ bản, đó là tâm lý chủ nghĩa dân tộc và những bất cập trong cơ chế hoạt động. Cuộc khủng hoảng đồng euro hiện nay là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đầu tiên châu Âu phải đối mặt kể từ sau chiến tranh, trong đó chủ nghĩa dân tộc bắt đầu tái xuất một cách đầy đủ. Có tâm lý chủ nghĩa dân tộc thì một số nền kinh tế đầu tàu khu vực mới khó khăn trong việc đưa ra quyết định cứu trợ các nước anh em gặp nạn. Nguyên nhân có thể do mỗi nước có một hệ thống giá trị và lợi ích khác nhau, song suy cho cùng tâm lý đó không thể tồn tại trong một liên minh đoàn kết. Hai nền kinh tế lớn ở châu Âu là Pháp và Đức đã chứng tỏ điều đó khi đạt sự thống nhất về một số vấn đề tại cuộc gặp hôm đầu tuần. Tâm lý chủ nghĩa dân tộc đã phần nào bị hóa giải.

Hiệp ước Lisbon quy định cấm trợ giúp tài chính cho một nhà nước gặp khó khăn, ngoại trừ trong trường hợp thiên tai nghiêm trọng. Đây chính là một phần căn nguyên của bất cập trong cơ chế hoạt động. Cơ chế hoạt động của EU dựa trên sự đồng thuận nên tại hội nghị thượng đỉnh ngày 9/12 này, EU sẽ phải xem xét lại các hiệp ước đã ký kết, trong đó có vấn đề kỷ luật ngân sách (vi phạm sẽ bị xử lý), nhằm tăng tính linh hoạt, hoặc tìm một thỏa thuận liên nhà nước để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Kèm theo đó sẽ phải là sự đồng thuận về công cụ kỹ thuật để thực hiện các lựa chọn chính trị mới. Đến nay, Quỹ bình ổn tài chính châu Âu đang cho thấy chưa đủ tầm với khủng hoảng hiện nay nên EU sẽ phải cân nhắc nâng cao vai trò của Ngân hàng trung ương và trái phiếu châu Âu, vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.

Dù muốn hay không EU cũng phải chung tay dập lửa. EU phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Để kiềm chế nợ tăng, chính phủ các nước thực hiện kế hoạch khắc khổ, tinh giản biên chế và tăng thuế, khiến sức tăng trưởng kinh tế giảm, dẫn đến không đạt thặng dư ngân sách vốn rất cần để trả nợ. Đã xuất hiện mối lo ngại châu Âu đến ngày tận thế, đơn giản, vì châu Âu biết làm gì nếu không có EU. Vì vậy, EU phải tồn tại, và trước hết, đồng euro phải sống.

Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN