Lời cảnh tỉnh từ các vụ cháy

Ba ngày sau vụ cháy gây hậu quả nghiệm trọng tại chung cư Carina Plaza (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương rạng sáng 23/3/2018, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra tìm nguyên nhân hỏa hoạn.

Vụ cháy chung cư Carina bộc lộ nhiều sơ hở trong công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng. Ảnh: Mạnh Linh

Tuy nhiên, lời cảnh báo từ vụ hỏa hoạn này đã khiến nhiều người dân đang sống trong chung cư giật mình trước những nguy cơ đe dọa tính mạng vẫn hiện hữu hàng ngày. Ở vụ cháy chung cư Carina Plaza, nguyên nhân chính xác gây cháy chưa có lời giải, nhưng điều tra ban đầu cho thấy khi lửa bùng lên từ tầng hầm để xe, hệ thống báo cháy không hoạt động, chuông báo cháy không kêu, cửa thoát hiểm thì bị chèn đá khiến cho khói bốc từ tầng hầm lên trên… là những nguyên nhân khiến cho hậu quả rất nghiêm trọng về người. Rõ ràng đây là những lỗi của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà. Nhưng điều dư luận giật mình là những lỗi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) lại xảy ra khá nhiều và vẫn đang tồn tại ở nhiều chung cư mới, hiện đại.

Trong vài ngày nay, bài học từ chung cư Carina Plaza đã khiến cho cư dân các tòa chung cư ở Hà Nội như Tràng An Complex (đường Phùng Chí Kiên), Capital Garden (đường Trường Chinh) có phản ứng mạnh mẽ hơn về những biện pháp PCCC của chủ đầu tư. Chung cư Capital Garden thì nằm trong danh sách 10 công trình đã thi công xong nhưng không đảm bảo các điều kiện về PCCC như lối thoát nạn, các giải pháp ngăn cháy, hệ thống PCCC, chống khói lan... do Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội công bố tháng 5/2017. Còn chung cư Tràng An Complex thì thậm chí đã xảy ra cháy nhưng hệ thống PCCC của tòa nhà không hoạt động đúng chức năng, cụ thể là chuông báo cháy không kêu khiến cư dân chỉ biết thông tin về vụ cháy qua… Facebook.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, những hành vi vi phạm như trên mà gây hậu quả chết người có thể xem xét là “lỗi vô ý vì quá tự tin”. Có nghĩa là chủ thể biết rõ hành vi vi phạm của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho rằng khó có thể xảy ra nên vẫn thực hiện hành vi vi phạm. Trong Bộ luật Hình sự nước ta, tội vi phạm quy định về PCCC đã được quy định tại điều 313 với mức phạt tối đa lên đến 12 năm tù. Tuy nhiên, trên thực tế điều luật này thường chỉ áp dụng với những cá nhân trực tiếp gây ra hỏa hoạn. Còn với những chủ đầu tư cố tình vi phạm các quy định về PCCC khi xây các khu chung cư thì mới chỉ ở mức xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí những vi phạm về PCCC mang tính hệ thống, có quy mô lớn, đã từng xảy ra hậu quả cháy như ở các dự án tại Hà Nội của ông Lê Thanh Thản (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên) đã từng có thông tin khởi tố hình sự nhưng rồi dư luận vẫn cứ chờ đợi mà chưa có thông tin chính thức.

Do đó, những mức phạt hành chính sẽ là không đáng kể so với chi phí tiết giảm được từ ăn bớt hệ thống PCCC. Và nếu không có biện pháp kiên quyết buộc các chủ đầu tư khắc phục vi phạm thì đồng nghĩa với “phạt cho tồn tại”, đó là không loại trừ cả việc “làm ngơ” của cơ quan chức năng trước những vi phạm PCCC, chỉ có khách hàng mua chung cư sẽ là người gánh hậu quả. Cứ sau mỗi vụ hỏa hoạn xảy ra, công tác PCCC lại được quan tâm và kiểm tra gắt gao hơn, như mấy ngày gần đây các đợt kiểm tra và các cuộc diễn tập PCCC được tổ chức cấp tập ở nhiều nơi. Nhưng không chắc rằng điều này có được duy trì thường xuyên liên tục với tinh thần nghiêm túc như vậy.

Ở một khía cạnh khác, người dân cũng cần nâng cao ý thức về PCCC và được hướng dẫn thường xuyên những kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Không chỉ ở vụ cháy ở chung cư Carina Plaza mà ở nhiều vụ cháy chung cư trước đó, thiệt hại về người có thể giảm đi nếu các nạn nhân thành thạo những kỹ năng thoát hiểm. Sau vụ cháy ở chung cư Carina Plaza, người dân chung cư lại đổ xô đi mua mặt nạ phòng độc, khẩu trang chống độc và các dụng cụ PCCC. Những thông tin hướng dẫn cách thoát hiểm cũng được đăng tải, chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội, điều mà lâu nay dù có được phổ biến trực tiếp cũng ít người quan tâm. Điển hình như cán bộ PCCC ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) đã báo cáo với đoàn kiểm tra: “Khi phòng phối hợp tổ chức tuyên truyền PCCC tại chung cư Mỹ Đình 1, người dân không hào hứng tham gia, chỉ cử người già, thậm chí người giúp việc đi nghe. Buổi đầu được 90 người tham gia, buổi kế tiếp còn 40 người, sang buổi thứ 3 chỉ còn hơn 10 người…”.

Chưa bàn về cách thức tập huấn có hấp dẫn hay không, nhưng những kỹ năng thiết yếu cần biết cho gia đình mình mà lại thờ ơ thì thật đáng trách. Và không chỉ với người dân ở chung cư, những hộ dân dưới nhà thấp tầng hay ở bất cứ đâu cũng đã có không ít lời cảnh tỉnh về PCCC bằng những hậu quả đau lòng như trên.

Trần Ngọc Tú
Giải cứu cho điệp khúc 'giải cứu'
Giải cứu cho điệp khúc 'giải cứu'

Hàng trăm tấn củ cải trắng của bà con Mê Linh (Hà Nội) được người dân “giải cứu” trong mấy ngày qua, cho thấy sức mạnh của sự đùm bọc yêu thương trong cộng đồng người Việt; nhưng cũng làm dấy lại câu hỏi: Đến khi nào thì điệp khúc “giải cứu nông sản” mới chấm dứt?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN