Khách quan nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện quyết liệt, dù được đánh giá đã có bước chuyển căn bản, nhưng kết quả cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được mong đợi. Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thủ tục hành chính vẫn là một thách thức, một rào cản lớn, cản trở tiến trình đổi mới, hội nhập.
Đơn cử, ở lĩnh vực quản lý đất đai, hầu hết các tỉnh, thành phố đã đưa văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động, thủ tục hành chính bước đầu được công khai minh bạch, thói quen vòi vĩnh, nhiều khê, gây phiền hà của người thực thi công vụ từng bước được ngăn chặn. Dẫu vậy, dù được đánh giá đã có những chuyển biến căn bản, nhưng kết quả của công cuộc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được mong đợi. Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thủ tục hành chính vẫn là một thách thức, một rào cản lớn.
Phải thấy rằng, vai trò của quản lý nhà nước và người thực thi công vụ có yếu tố quyết định đến sự thành công của cải cách thủ tục hành chính. Muốn thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, không có cách nào khác là các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần phải tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, dũng cảm loại bỏ lợi ích cục bộ.
Vật cản lớn nhất trong cải cách thủ tục hành chính hiện nay chính là sự chồng chéo, rối rắm, thiếu nhất quán của một số văn bản pháp luật liên quan, làm người dân, doanh nghiệp nản lòng. Hạn chế lớn nhất vẫn là các quy trình, thủ tục chưa thật sự rõ ràng, thiếu đồng bộ, mỗi địa phương làm một kiểu. Đáng chú ý, trong thực hiện "một cửa, một cửa liên thông", hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai phần lớn bị trả chậm so với thời gian quy định, khiến người dân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để giải quyết.
Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, cán bộ thực thi công vụ lại cho rằng, đó không phải là lỗi ở họ; mà lỗi là do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ... Đáng lẽ, hơn ai hết, chính các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng, vì sao vướng, thì họ lại vin vào lý do không chính đáng đó để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Phải thẳng thắn rằng, lỗi chính là do cán bộ thực thi công vụ chưa ý thức được trách nhiệm của mình, không ít cán bộ giải quyết công việc theo kiểu ban ơn, hoặc ngã giá. Trong khi đó, việc kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo lại thiếu kiên quyết, thậm chí dung túng, bao che cho cán bộ dưới quyền khi sai phạm.
Hơn thế, cá nhân vì quyền lợi mà làm trái; tập thể, cấp lãnh đạo cũng vì quyền lợi mà xử lý thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh... Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch trong các thủ tục đã tạo kẽ hở cho cán bộ thực thi công vụ trục lợi, khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, nếu những người thực thi công vụ thay vì đổ lỗi cho cơ chế, nêu cao ý thức phục vụ, vì cái chung, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thì chắc chắn những vướng mắc dù có phức tạp đến đâu, cũng sẽ được giải quyết thỏa đáng, hiệu quả.
Bởi vậy, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vấn đề mấu chốt để tạo chuyển biến căn bản trong công tác cải cách thủ tục hành chính, là từng cán bộ thực thi nhiệm vụ phải ý thức rõ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm. Có như vậy, sự nhiêu khê, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính mới được loại bỏ.