Tại đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đưa ra đề xuất: Bật đèn pha xe máy vào ban ngày nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT). Ngay lập tức, đề xuất trên đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận. Phần lớn ý kiến cho rằng, đề xuất này thiếu tính khả thi và không phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Thậm chí, có ý kiến cho đây là sự nhiêu khê, gây lãng phí, hủy hoại môi trường, làm tăng hiệu ứng nhà kính.
Cơ sở của đề xuất trên, theo lý giải của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện có 7/10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia...) đã quy định xe máy phải bật đèn chiếu sáng phía trước. Nhờ quy định trên mà TNGT ở những nước này giảm trung bình 25% mỗi năm. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng, việc áp dụng đèn chiếu sáng phía trước cho xe máy tại Việt Nam sẽ giảm khoảng 10% TNGT (tức là giảm từ 500 đến 600 người chết mỗi năm).
Không thể phủ nhận, quy định xe máy phải bật đèn ban ngày để kiềm chế TNGT là cần thiết với nhiều nước, đặc biệt với các nước xứ lạnh, sương mù dày đặc... Ở các nước nói trên, xe máy ngoài đèn chiếu sáng, còn được lắp cả đèn sương mù. Điều này dễ nhận thấy ở một số loại xe máy được nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu Việt Nam có độ nóng cao, sương mù ít, người điều khiển phương tiện không bị hạn chế tầm nhìn, thì việc bật đèn chiếu sáng ban ngày là không cần thiết; thậm chí còn phản tác dụng, bởi nó làm lóa mắt người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, dễ gây TNGT.
Thực tế, ở nước ta, các chủ phương tiện còn đang phải loay hoay tìm giải pháp để chống nắng, chống lóa cho xe, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, trời nắng như đổ lửa, nếu bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày sẽ mang lại tác dụng gì? Có thể, đâu đó từng có những vụ TNGT do người điều khiển xe máy không bật đèn, nhưng đó chỉ là tai nạn hy hữu trong điều kiện thời tiết bất thường. Bởi vậy, càng không thể quy chụp TNGT xảy ra là do không bật đèn chiếu sáng vào ban ngày. Giả dụ, những ngày có sương mù, tối trời do điều kiện thời tiết bất thường, thì người điều khiển xe máy sẽ tự ý thức được mức độ nguy hiểm để làm chủ phương tiện, chứ đâu cần phải đợi có một chế tài bắt buộc.
Với mật độ phương tiện và hạ tầng giao thông như hiện nay, các cơ quan chức năng khi xem xét đề xuất này phải tính toán kỹ lưỡng những tác động phụ có thể xảy ra, như nhiệt độ, tầm quan sát của các phương tiện... . Chưa kể, nếu đề xuất trên trở thành hiện thực, đối với xe máy cũ đang lưu thông, các chủ phương tiện lại phải mất thêm thời gian và khoản chi phí không nhỏ để khắc phục hậu quả (thay thế, điều chỉnh, lắp đặt đèn chiếu sáng...).
Nhiều chuyên gia đề nghị, các cơ quan chức năng khi nghiên cứu, đưa ra đề xuất có tính nhạy cảm, cần phải xem xét, đánh giá tính khả thi, tránh rập khuôn máy móc, gây bức xúc, ảnh hưởng đến túi tiền, cuộc sống của người dân và lãng phí ngân sách của Nhà nước. Trước đây, từng có quy định xe taxi khi lưu thông bắt buộc phải bật đèn. Tuy nhiên, quy định này đã không thể thực hiện và nhanh chóng rơi vào quên lãng, bởi lẽ không phù hợp với điều kiện thực tế và quan trọng là không được các doanh nghiệp taxi đồng tình.
Vậy nên, bất cứ quy định nào trước khi được ban hành, cần được đặt lên bàn cân, xem có phù hợp với điều kiện thực tế hay không? Chỉ khi người dân thấy thật sự cần thiết, không đi ngược với lợi ích của họ, thì quy định đó mới phát huy được giá trị và có sức sống trong đời sống xã hội.