Kỳ vọng vào sự thay đổi

Bộ Giao thông Vận tải vừa phát thông cáo về việc huỷ bỏ kết quả sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư phù hợp thực hiện 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc điều chỉnh này là nhằm triển khai hiệu quả một dự án giao thông trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát huy năng lực của các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, từ nhiều thập kỷ trước, chúng ta đã thực hiện thành công một số công trình lớn với nguồn lực trong nước, tiêu biểu là đường dây 500 kV Bắc - Nam, cầu Bạch Đằng... Điều đó cho thấy, doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể làm được các dự án lớn, tầm cỡ quốc tế khi có cơ chế, chính sách phù hợp. Nếu tập hợp được lực lượng, các nhà đầu tư đều quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, trên cơ sở công khai, minh bạch và người dân tin tưởng, thì chắc chắn dự án sẽ thành công. Một đòi hỏi quan trọng, dù là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, thì yêu cầu về chất lượng công trình cũng phải đặt lên hàng đầu.

Phải thấy rằng, việc điều chỉnh hình thức đấu thầu đối với các dự án PPP thuộc cao tốc Bắc Nam là một quyết định đúng đắn. Đây được xem là cơ hội để phát huy nội lực của các nhà đầu tư trong nước, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiềm lực còn hạn chế. Đặc biệt, đã có ý kiến bày tỏ lo ngại về sự minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu, về năng lực (nguồn vốn, cung cách quản lý, tổ chức thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công…) của các nhà thầu trong nước... 

Thực tế, thời gian gần đây đã có không ít dự án thuộc lĩnh vực này để lại những điều tiếng, nhất là về chất lượng cũng như tiến độ công trình, vấn nạn tham nhũng, gây nhức nhối dư luận xã hội, mà nguyên nhân xuất phát từ sự khuất tất trong việc mở thầu, công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện dự án… Có không ít nhà thầu có uy tín đã phải ngậm ngùi thua thầu trước một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nhưng giỏi quan hệ. Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng không đảm bảo, vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp.

Thời gian qua, một số tuyến đường cao tốc thậm chí là dự án trọng điểm quốc gia với vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng đều có vấn đề về chất lượng, gây bức xúc trong nhân dân, như các dự án: Hoàn thiện mặt đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê… Mới đây nhất, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng), dù đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm, nhưng đã liên tiếp xuất hiện những hư hỏng về mặt đường, một số cầu, cống thuộc tuyến bị thấm nước...

Điểm lại một số dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, chất lượng kém… đã cho thấy những bất cập trong công tác đấu thầu, quản lý, triển khai thực hiện công trình. Đã xảy ra tình trạng ban quản lý dự án, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp vào hoạt động đấu thầu. Rồi tình trạng đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu... Chưa kể, không ít công chức, viên chức trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu, dự án, mà người đại diện pháp luật của nhà thầu là cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, anh chị em ruột hoặc người thân. Đây chính là kẽ hở để những tài liệu, thông tin đòi hỏi yêu cầu bảo mật về đấu thầu đã bị lọt ra ngoài. Hoặc khi triển khai dự án, đã có những cuộc điện thoại, những cuộc gặp gỡ để đặt vấn đề chọn nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu,... tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh trong việc đấu thầu cũng như tổ chức thực hiện dự án. 

Dù Luật Đấu thầu (sửa đổi), một số văn bản dưới luật, nghị định đã được ban hành, nhưng dư luận cho rằng, việc khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý các dự án giao thông vẫn là yêu cầu hết sức cần thiết ở thời điểm các công trình dự án giao thông đang báo động về chất lượng. Có ý kiến cho rằng, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều biện pháp xiết chặt công tác đấu thầu, nhưng thực hiện thiếu triệt để, thế nên những tiêu cực trong các dự án giao thông vẫn có đất tồn tại và hậu quả ngày một nghiêm trọng. Những công trình giao thông kém chất lượng không chỉ làm tổn hao tài sản nhà nước, mà còn làm giảm lòng tin của người dân về năng lực quản lý cũng như việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án giao thông. Trong thực tế, có rất nhiều công trình, dự án giao thông đã phải trả giá cho sự lãng phí, mà nguyên nhân là do buông lỏng công tác quản lý.

Vấn đề đặt ra đối với ngành Giao thông Vận tải trong triển khai dự án cao tốc Bắc Nam là việc siết chặt công tác quản lý đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, như thông thầu, “quân xanh quân đỏ” ở các dự án, công trình giao thông. 

Hy vọng, quyết tâm của ngành Giao thông Vận tải sẽ biến thành hành động thiết thực, không xuê xoa, đánh trống bỏ dùi. Một trong những việc cần phải làm ngay, đó là cần chỉ rõ trách nhiệm, xử lý thật nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan các công trình, dự án giao thông đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn ngân sách.

Yến Nhi
Bi kịch trên đường tha hương
Bi kịch trên đường tha hương

39 thi thể chết thảm trong chiếc xe đông lạnh ở Essex (Anh). Đó là những con người đã phải lao động cật lực, thậm chí chạy vạy để có đủ khoản tiền lớn tới hàng trăm triệu đồng nộp cho những băng nhóm buôn người, rồi đánh cược cả sinh mạng để tìm kiếm một cơ hội nơi miền đất mới. Cái chết của họ đã để lại nỗi đau nhức nhối cho gia đình, người thân đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh nhập cư trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN