Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Đây là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết 68 –NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khẳng định rõ ràng rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Dự thảo được trình Quốc hội trong phiên họp hôm nay, ngày 15/5 và chính thức thông qua vào ngày 17/5 tới. Đây là dấu mốc chính sách đáng chú ý, không chỉ vì nội dung ưu đãi cụ thể dành cho doanh nghiệp tư nhân, mà còn bởi thông điệp chính trị rõ ràng: Nhà nước chuyển vai từ quản lý sang đồng hành, từ kiểm soát sang thúc đẩy.
Dự thảo nghị quyết lần này mang theo hàng loạt chính sách thiết thực, tạo điều kiện chưa từng có cho khu vực tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao và startup.
Về đất đai – một điểm nghẽn lâu nay – các doanh nghiệp thuộc nhóm được ưu tiên có thể được giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu tiên, nếu hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp hoặc vườn ươm công nghệ. Các địa phương sẽ phải bố trí tối thiểu 20 ha/quỹ đất trong mỗi khu công nghiệp để phục vụ riêng cho doanh nghiệp công nghệ, sáng tạo.
Về tín dụng, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2%/năm nếu triển khai dự án “xanh” hoặc tuần hoàn, theo các tiêu chuẩn ESG quốc tế. Startup và quỹ đầu tư khởi nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Chuyển nhượng cổ phần vào startup – một vấn đề từng nhiều lần bị vướng mắc – cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý hơn cả là tinh thần hậu kiểm thay cho tiền kiểm trong thanh tra, kiểm tra. Theo đó, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ chỉ bị thanh tra tối đa một lần trong năm (trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng). Cơ quan chức năng cũng sẽ phải xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thanh tra để nhũng nhiễu.
Trong phiên họp chiều 14/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh một thông điệp mang tính định hướng chiến lược: “Cần thay đổi tư duy, Nhà nước kiến tạo, phục vụ thay vì kiểm soát.” Đây là điểm sáng tư tưởng lớn, phản ánh một bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Thay vì đứng ở vị trí đối đầu, giám sát, nhà nước giờ đây đóng vai trò thiết kế “sân chơi”, xây dựng cơ chế và tạo điều kiện để các doanh nghiệp – không phân biệt lớn nhỏ, trong nước hay quốc tế – có thể tự do thử sức, đổi mới và phát triển.
Không phải ngẫu nhiên mà trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng phát biểu: “Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn.” Khi nhà nước tạo ra những "đòn bẩy", những “điểm tựa”, doanh nghiệp mới có thể phát huy tối đa khả năng, từ khởi nghiệp nhỏ lẻ đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một điểm đáng chú ý khác là cách xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh. Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính đối với các hành vi vi phạm – chỉ khi cần thiết mới áp dụng biện pháp hình sự. Điều này không phải là “nương nhẹ” cho doanh nghiệp mà thể hiện nhận thức đúng về vai trò của doanh nhân – những người tạo ra giá trị, đóng góp cho xã hội.
Sự phân định rõ ràng giữa vi phạm hành chính, dân sự và hình sự giúp doanh nhân yên tâm hơn khi đầu tư và điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm tự giác tuân thủ pháp luật – một nguyên tắc bắt buộc trong một nền kinh tế vận hành lành mạnh.
Dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân là minh chứng cho sự tin tưởng ngày càng lớn của Nhà nước vào vai trò, năng lực và khát vọng của khu vực kinh tế tư nhân. Khi được tiếp sức bằng những chính sách thiết thực, cộng đồng doanh nhân chắc chắn sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, đổi mới, tiên phong – vốn là bản sắc của khu vực tư nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, đi cùng với sự ưu ái của chính sách, cũng là kỳ vọng về trách nhiệm công dân và đạo đức kinh doanh của đối tượng thụ hưởng. Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân không thể tách rời khỏi trách nhiệm xã hội, minh bạch thuế khóa, và tuân thủ pháp luật của thành phần kinh tế này. Một cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, tự giác, chính là cột trụ vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, khơi dậy tiềm năng trong nước là hướng đi chiến lược. Chính sách “kiến tạo thay vì kiểm soát” là một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của một quốc gia đang hướng tới thịnh vượng, công bằng và hội nhập.
Đây chính là cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cần nhanh chóng nắm bắt, không chỉ để phát triển cho đơn vị, mà còn để góp phần tạo ra thêm nguồn lực cho đất nước, đúng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân: Mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, đất nước vươn mình.