Không ngại xử lý người đứng đầu

Trong khi lãnh đạo ngành Giao thông còn đang mải miết với những giải thích “bên lề” và chính thức về việc tại sao lại chuyển từ thu phí sang thu giá đối với các dự án BOT thì đã kịp có tới 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp trong tuần qua, làm thương vong 13 người.

Dù vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên xảy ra từ ngày 24/5 và tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt đã kéo dài rất lâu, nhưng trước yêu cầu của Chính phủ về việc phải làm rõ vấn đề này, đến chiều tối ngày 28/5, người đứng đầu ngành giao thông và đường sắt mới lên tiếng thừa nhận trách nhiệm, thừa nhận những yếu kém của ngành đường sắt và riết róng truy cứu nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Trên Nghị trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, đại biểu giơ biển tranh luận, phản ánh rằng trong vụ  "cà phê pin", lúc đó không thấy vai trò của tư lệnh ngành Nông nghiệp, Công thương, Hội bảo vệ người tiêu dùng… ở đâu trong việc bảo vệ người nông dân. Trong khi đó, những thông tin gây hoang mang về “cà phê pin” đã được đăng rầm rộ trên báo chí và mạng xã hội, gây bao lao đao cho cả người sản xuất lẫn tiêu thụ, xuất khẩu…

Đây chỉ là hai ví dụ trong số nhiều vụ việc cho thấy phản ứng, giải quyết của người đứng đầu, tư lệnh ngành, địa phương… còn chậm và chưa quyết liệt trong các vụ việc “nóng”, rất cần sự vào cuộc, lên tiếng kịp thời để giảm thiểu tối đa các thiệt hại đáng tiếc. Đó là chưa kể nhiều vấn đề tồn tại mang tính chất lâu dài thuộc lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương quản lý cũng giải quyết hết sức chậm chạp. Dẫn đến nhiều hậu quả, đặc biệt là gây ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, làm mất dần niềm tin của nhân dân, thậm chí là mất ổn định xã hội và thiệt hại thì không thể đong đếm được.

Phải thấy rằng, thời gian qua, hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã vận hành tốt hơn nhiều kể từ khi Trung ương Đảng có hàng loạt các nghị quyết chấn chỉnh về tổ chức bộ máy, cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, khiến cho về phía Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải thực hiện các cuộc kiểm tra vượt cấp. Về điều hành Chính phủ, Thủ tướng và các phó Thủ tướng rất gương mẫu, nghiêm túc thực hiện vai trò của mình. Thế nhưng, lãnh đạo Chính phủ đã phải can thiệp vào cả những vụ như quán cà phê “Xin chào” và một số vụ việc khác… Điều này cho thấy bộ máy phía dưới đã không thực hiện đầy đủ, đúng chức trách nhiệm vụ được giao.

Có đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, tình trạng trên do đội ngũ những người đứng đầu gồm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, bộ trưởng… vận hành chưa đồng bộ với người đứng đầu Đảng, Chính phủ. Những lãnh đạo này có thể do không đủ năng lực để vận hành hệ thống, do chây ỳ, không chịu vào cuộc hoặc do lo sợ liên lụy, sợ trách nhiệm. Thậm chí rất có thể họ bị níu kéo bởi nhiều lợi ích khác. Đây cũng là một trong những tồn tại, yếu kém đáng lo ngại trong công tác xây dựng Đảng mà Đảng ta đã xác định phải giải quyết triệt để.

Hội nghị Trung ương 7 của Đảng vừa qua đã chỉ rõ tình trạng có không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược, chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Để chấn chỉnh tình trạng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị quyết Trung ương 7 lần này cũng đã đưa ra một tinh thần rất cách mạng. Đó là sẵn sàng thay thế ngay cán bộ, không đợi hết nhiệm kỳ nếu cán bộ đó không đáp ứng được yêu cầu công việc, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất.

Nhìn nhận rõ vấn đề này, cấp ủy nhiều địa phương, bộ ngành cũng đã cụ thể hóa các tiêu chí, thước đo, tạo “công cụ” để đánh giá và xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.

Nghị quyết có, quy định có, quyết tâm cũng thừa có. Tuy nhiên, để đội ngũ người đứng đầu đạt được đủ tầm và tâm; đủ phẩm chất, đủ năng lực và đủ chất lượng như kỳ vọng; giải quyết được và có trách nhiệm trong các vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý, lại là điều hết sức khó nếu không được thực thi quyết liệt, nghiêm minh.

Hơn lúc nào hết, người dân chờ đợi tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 mạnh mẽ đi vào cuộc sống; mạnh dạn loại bỏ, xử lý đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu không đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm. Có như vậy mới thúc đẩy được sự phát triển đất nước về mọi mặt, thúc đẩy niềm tin trong nhân dân cũng như giải quyết, giảm thiểu được tối đa các vấn đề tồn tại, phát sinh; chấm dứt những hậu quả nặng nề,  thậm chí có thể gây ra và tạo cớ gây ra bất ổn xã hội  cho đất nước.

Ninh Hồng Nga
Tai nạn đường sắt liên tiếp: Tăng cường giám sát quy trình chạy tàu
Tai nạn đường sắt liên tiếp: Tăng cường giám sát quy trình chạy tàu

Liên tiếp trong một tuần qua đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến dư luận bất an về tính an toàn của hệ thống đường sắt vốn có hệ số an toàn lâu nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN