Tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp của các vụ tai nạn trên đều do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành Đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn toa tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện. Ngoài ra, còn có nguyên nhân liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt, Ủy ban đã gửi công điện khẩn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn; rà soát, siết chặt quy trình chạy tàu và xử lý nghiêm lỗi chủ quan giám sát đường sắt của các cá nhân liên quan.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Thanh Hóa. |
Ngoài ra, các địa phương cho tuyến đường sắt đi qua tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy trình chạy tàu của công nhân viên, lái tàu ngành đường sắt; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tổ chức chạy tàu và công tác kiểm tra, giám sát.
Còn theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt liên tục là do lỗi chủ quan của các cá nhân không giám sát quy trình chạy tàu tại các khu gian, nhà ga một cách nghiêm túc, cần phải siết chặt và xử lý nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, lỗi do con người phải tính tới cả chủ phương tiện xe cơ giới và nhân viên vận hành quy trình chạy tàu.
Lãnh đạo VNR chỉ đạo khắc phục hậu qủa vụ tai nạn tại Ga Núi Thành. |
Vì vậy, ý thức tuân thủ quy định pháp luật, tuân thủ các quy trình quy phạm là hết sức quan trọng trong việc phòng tránh, bảo đảm an toàn giao thông nói chung và đường sắt nói riêng. Rõ ràng, trong các vụ tai nạn đường sắt vừa qua, các nhân viên thực hiện công vụ như lái tàu, lái xe, gác chắn, trưởng ga đã lơ là trách nhiệm của mình, không kiểm tra, không thực hiện đúng các quy định đã được ban hành.
Ở góc độ quản lý, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) nhận định, các vụ tai nạn giao thông đường sắt gần đây chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ phận giám sát quy trình chạy tàu của ngành đường sắt. Mặc dù theo thống kê có tới trên 80% tai nạn được xác định do yếu tố khách quan, nhưng phần còn lại xuất phát từ các yếu tố tham gia vận hành, điều hành trong quá trình tổ chức chạy tàu của ngành đường sắt. Chẳng hạn như ý thức chấp hành quy trình, quy phạm của một số bộ phận vẫn chưa nghiêm túc khi để xảy ra sự cố đón tàu vào ga hay điều khiển đoàn tàu ra ga vượt tín hiệu…
Qua những vụ việc này, VNR đã phân tích và quy trách nhiệm cũng như chấn chỉnh ý thức làm việc của các nhân viên tham gia điều hành hệ thống giao thông vận tải đường sắt, từ nhân viên trực ban ở các ga, gác ghi đến nhân viên gác chắn, lái tàu… Đồng thời, Tổng công ty cũng chấn chỉnh và quy định hết sức ngặt nghèo về chế độ trực ban; rà soát lại các quy tắc quản lý kỹ thuật của các bộ phận tại nhà ga, các quy trình thực hiện các công việc của lái tàu, nhân viên gác chắn.
Cùng với đó, VNR đã yêu cầu các đơn vị trong ngành phải có chế độ kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc những cá nhân, nhân viên đường sắt sai phạm, ngay cả khi những sai phạm đó chưa gây hậu quả.
VNR cũng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ phận trong việc quản lý quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, quản lý kỷ luật lao động, các quy trình tác nghiệp của cán bộ dưới quyền nhằm siết chặt các quy trình, quy phạm trong quá trình vận hành chạy tàu.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV VNR, ông Vũ Anh Minh khẳng định, về mặt quy trình tổ chức điều độ vận hành hệ thống chạy tàu không hề có sai sót. Tuy nhiên, thực hiện quy trình này phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề tác nghiệp của con người. Có thể nói hiện việc ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành đường sắt hiện nay vẫn còn đang yếu. VNR đang khẩn trương hoàn thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện các quy trình vận hành chạy tàu nhằm hạn chế thấp nhất việc tác nghiệp của con người có thể gây ra.
Quy trình này bao gồm lắp điện thoại, lắp camera đầu máy, lắp camera giám sát ga… nhằm theo dõi, cảnh báo suốt hành trình của đoàn tàu. Khi hoàn thiện, những giải pháp này sẽ kiểm soát các quy trình vận hành, qua đó giảm bớt những lỗi tác nghiệp từ nhân viên thực hiện quy trình. Tuy nhiên, những giải pháp này mới đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa thể triệt để ngay được.
Trong kế hoạch trung hạn, VNR cũng tiến tới đầu tư lắp toàn bộ hệ thống thiết bị định vị GPS trên tất cả các đầu máy, một mặt kiểm soát quá trình vận hành của đầu máy đồng thời cũng sẽ giúp kiểm soát toàn bộ tất cả các đường ngang có gác chắn và có lắp camera, để từ đó tích hợp lên trên đầu máy. Khi đó người lái tàu cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát mức độ an toàn khi qua các đường ngang.