Hội nghị toàn quốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội là một hội nghị có quy mô rất lớn, với sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh thành, bộ ngành, cùng hàng trăm đại diện của các tổ chức, các nhà khoa học, giới chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam là một trong năm nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Chúng ta đã nỗ lực nhưng thiệt hại vẫn còn rất lớn, khoảng 1-1,5% GDP. Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải nhận thức được thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống an lành của người dân, do đó “tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”. Công tác phòng, chống và thích ứng với thiên tai phải được thực hiện một cách chủ động, thuận thiên để giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống, bảo vệ và phát triển sản xuất của nhân dân.
Lũ quét tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, tháng 8/2017. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Tại một đất nước từ ngàn đời nay đã phải quen với cuộc sống “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, người dân đã có nhiều kinh nghiệm sống chung với bão lũ. Đảng và Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách về phòng chống thiên tai, được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật phòng chống thiên tai 2013. Nhưng sự khốc liệt, tính dị thường và trái quy luật của thời tiết ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, khiến cho sự chuẩn bị của con người không bao giờ là đủ. Các hiện tượng thiên tai phổ biến và gây thiệt hại lớn không chỉ dừng lại ở bão, lũ lụt, lũ quét…, mà hạn hán, dông lốc cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Chỉ tính riêng về bão lũ trong năm 2017 vừa qua, 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới – số lượng cao kỷ lục từ trước đến nay - đã gây ra thiệt hại lên tới 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Bão lũ không còn là “đặc sản” của miền Trung mà ngược lên cả các tỉnh miền núi phía Bắc, lan xuống Nam Trung Bộ. Đằng sau các trận bão lụt, lũ quét đi qua là hàng chục người thiệt mạng, là nước mắt của người nông dân trên những cánh đồng ngập trắng, những lồng cá bè tôm bị cuốn trôi... Những hình ảnh ấy khiến ai cũng không khỏi đau lòng.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận sự khốc liệt của thời tiết có nguyên nhân không phải chỉ tại “ông Trời”. Những cánh rừng đang bị tàn phá hàng năm bởi lâm tặc, hệ thống sông ngòi bị bồi lắng và bóp nghẹt bởi những công trình hạ tầng, diện tích đất bề mặt bị biến dạng, hoang hóa bởi nạn khai thác khoáng sản bừa bãi. Sự biến đổi của khí hậu đã được các nhà khoa học chứng minh đó là khi “Mẹ Thiên nhiên” không còn đủ kiên nhẫn và nổi giận đáp trả các hành vi thiếu tầm nhìn của con người.
Ở góc độ nào đó, một bộ phận người dân cũng có lỗi khi vẫn duy trì hình thức sinh hoạt, canh tác dựa vào khai thác quá mức các nguồn lợi của thiên nhiên. Họ cũng có phần chủ quan trước những cảnh báo về nguy cơ bão lũ. Tuy nhiên, vai trò quyết định của chính quyền, của các cơ quan chức năng là không thể phủ nhận. Công tác phòng chống thiên tai cần được nhận thức là một lĩnh vực quản lý rủi ro thay vì khắc phục hậu quả; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội thay vì của một bộ ngành hay địa phương. Vì vậy, các giải pháp đưa ra phải mang tính tổng hợp, hệ thống, đồng bộ, có sự kết hợp hiệu quả giữa thành tựu khoa học với kế thừa kinh nghiệm truyền thống.
Có nhận thức đúng thì mới đưa ra được hành động đúng. Trong lúc chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế được thực hiện rất mạnh mẽ, Chính phủ vẫn quyết định thành lập Tổng cục phòng chống thiên tai theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước không để người dân nào phải ở trong cảnh "màn trời chiếu đất”, bị thiếu nước, thiếu đói, không để lặp lại những thiệt hại đau xót do thiên tai gây ra như năm vừa qua.