Internet trên bàn nghị sự của IPU

Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, nghị sĩ từ nhiều quốc gia lần đầu tiên thảo luận một chủ đề rất mới mẻ, có tính toàn cầu: An ninh mạng. IPU-132 đánh giá rằng, mạng internet đã và đang tác động đến nhiều quốc gia, đặc biệt là giới trẻ, đối tượng nhạy cảm dễ bị tác động, ảnh hưởng nhất. Để bảo vệ họ, các nghị sĩ đề xuất cần phải lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng, tăng cường năng lực kiểm soát cho các phụ huynh, nâng cao giáo dục trách nhiệm cho giới trẻ…

Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với con người. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã cảnh báo đến nguy cơ của Chiến tranh mạng, một cuộc chiến không tiếng súng, cuộc chiến "không biên giới", và hệ lụy do nó gây ra thật khủng khiếp đối với bất cứ một quốc gia, nền kinh tế nào, thậm chí còn hơn cả chiến tranh hạt nhân! Tiếp cận quan điểm này, "nếu như chiến tranh thông thường được quốc tế xử sự bằng nhiều điều ước, văn bản, thỏa thuận, thì nhất thiết phải xây dựng các quy định, quy tắc về xử lý đối với chiến tranh mạng. Bởi vì loại hình chiến tranh này không kém nguy hiểm, phức tạp so với chiến tranh thông thường".

Với Việt Nam, “an ninh mạng” chưa tới mức nghiêm trọng như cảnh báo của cộng đồng quốc tế, nhưng văn hóa mạng đang trở thành nguy cơ gặm nhấm, hủy hoại đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Phải thừa nhận rằng, mạng xã hội có rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin. Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại “nghiện” công nghệ. Tuy nhiên, thông tin bổ ích cũng nhiều và thông tin tiêu cực cũng không phải ít và thật khó kiểm soát. Bên cạnh tính tiện ích, thì việc không thể kiểm soát thông tin, hoặc đua theo những trào lưu vô cảm, đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi tầm thường. Với sức lan tỏa tới mức chóng mặt của mạng xã hội, nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, một sự kiện rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận, kiểu “anh hùng nhất khoản”, với cách nhìn thiển cận, phản cảm, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội. Thật đáng lo ngại, rất nhiều người mượn diễn đàn các trang mạng để đưa ra quan điểm cá nhân, cái tôi cục bộ, thậm chí còn lợi dụng diễn đàn này để bôi xấu chế độ. Không ít người, nhất là giới trẻ do bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người “like”. Những nội dung độc hại, khó kiểm soát đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Những vấn đề được IPU gióng lên tại diễn đàn lần này đã cho thấy tính cấp bách của sự phối hợp giữa các quốc gia để thiết lập an ninh mạng. Với Việt Nam, trước hết cần phải ngăn chặn những quan điểm phản động, sai trái, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của xã hội ta. Do vậy, có lẽ cùng với sự thức tỉnh của bộ phận giới trẻ đã trót đam mê thế giới phẳng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cộng đồng, nhà trường, gia đình cũng hết sức nặng nề... Để ngăn chặn những tác động xấu từ mạng internet, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên.

Yến Nhi
Cuba cam kết thúc đẩy an ninh mạng toàn cầu
Cuba cam kết thúc đẩy an ninh mạng toàn cầu

Chính phủ Cuba cam kết tiếp tục hợp tác với các nước trên thế giới trong vấn đề an ninh mạng. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz Canel đưa ra tại một hội nghị công nghệ vừa diễn ra tại thủ đô La Habana.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN