Theo thông tin ban đầu, vào lúc 20h30 ngày 13/5, nhóm “hiệp sĩ Tân Bình” gồm: Trần Văn Hoàng (47 tuổi, nhóm trưởng), Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi), Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi), Nguyễn Đức Huy (22 tuổi), Đinh Phú Quý (22 tuổi), Đinh Văn Tài (27 tuổi) và Lê Văn Tuyên (24 tuổi) đi trên 4 xe máy. Khi nhóm hiệp sĩ đi đến khu vực Bắc Hải (Quận 10), phát hiện hai thanh niên đi xe máy hiệu Exciter có biểu hiện trộm cắp tài sản nên tiến hành bám theo từ khu Bắc Hải về đường Cách mạng Tháng Tám (Quận 3).
Đến trước số nhà 348C Cách mạng Tháng Tám (Phường 10, Quận 3), nhóm đối tượng dùng dụng cụ bẻ khóa chiếc xe SH dựng ở phía trước. Thấy vậy, nhóm "hiệp sĩ" đường phố đã tổ chức vây bắt đối tượng trộm xe SH. Khi tiếp cận đối tượng đang bẻ khóa xe SH, tên này đã rút dao tự chế giấu trong người ra, đâm trúng nhiều người trong nhóm "hiệp sĩ" và lên xe bỏ chạy về hướng vòng xoay Dân Chủ (Quận 3) tẩu thoát. Vụ việc đã làm cho 2 người trong nhóm hiệp sĩ là Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam tử vong, 3 người khác bị thương.
Không chỉ ở vụ việc kể trên, từ nhiều năm nay tại một số tỉnh, thành phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã xuất hiện những cá nhân tự nguyện và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Họ được người dân yêu mến gọi tên là ‘hiệp sĩ’. Các ‘hiệp sĩ’ này đã bắt hàng trăm tên tội phạm để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý, điển hình như anh Nguyễn Văn Minh Tiến (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Hải (Bình Dương)... Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các ‘hiệp sĩ’ thì chưa rõ ràng, có ‘hiệp sĩ’ hoạt động độc lập đơn lẻ hoặc theo nhóm, có nơi thì dưới mô hình tổ dân phòng, có nơi là câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Và bởi vậy khung pháp lý cho hoạt động của ‘hiệp sĩ’ cũng không có.
Vậy cơ sở nào để ‘hiệp sĩ’ bắt tội phạm. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại Điều 5 như sau: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Còn tại Điều 10 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. Như vậy, cơ sở pháp lý để các “hiệp sĩ” bắt tội phạm là trường hợp phạm tội quả tang được quy định tại Điều 111 “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”. Thêm một tình huống nữa là Điều 112 quy định “Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”.
Như vậy, trường hợp của nhóm “hiệp sĩ Tân Bình” trên được luật pháp khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế các “hiệp sĩ” không chỉ dừng lại ở việc theo dõi, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, tham gia bắt tội phạm quả tang mà nhiều lúc có cả những hoạt động giống như lực lượng công an chính quy điều tra phá án, những việc nguy hiểm cần được đào tạo bài bản cũng như các phương tiện đặc chủng hỗ trợ.
Phát động các phong trào quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, chính quyền và cơ quan chức năng cũng rất quan tâm đến đội ngũ các “hiệp sĩ” như: Tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng, động viên khen thưởng kịp thời, thậm chí các nhà tài trợ còn tặng bảo hiểm thân thể cho các “hiệp sĩ”. Nhưng rõ ràng là chế độ chính sách cho các “hiệp sĩ” không thể nào giống như lực lượng chính quy, chuyên nghiệp.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán đường lối xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bên cạnh việc xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, hiện đại là phát động các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Bởi vậy, việc khuyến khích, cổ vũ các hành động nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” không chỉ phù hợp với truyền thống, đạo đức dân tộc mà còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng quần chúng tham gia ở mức độ nào thì cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết bởi vượt qua lằn ranh đó thì các “hiệp sĩ” không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn nguy cơ “ngược” khi vi phạm pháp luật tố tụng hình sự.