Hãy hành động vì môi trường sống

Với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Ứng phó biến đổi khí hậu”, Chương trình Giờ Trái đất 2015 tại Việt Nam được khởi đầu tại Thủ đô Hà Nội với nghi thức tắt đèn trong một giờ, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30, ngày 22/3, tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Giờ Trái đất đã được kết tinh thành biểu tượng, giúp mỗi người suy ngẫm, nhìn nhận những việc mình đã làm và trách nhiệm đối với hành tinh mình đang sống.  


Sinh viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội tham gia lễ phát động "Giờ Trái đất 2015". Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chương trình Giờ Trái đất 2015 hy vọng sẽ lan tỏa trong cả 365 ngày trong năm, góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Phải thấy rằng, môi trường sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão, lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng... Đó là hiểm họa mà toàn nhân loại đã và đang phải đối mặt, mà nguyên nhân chính do con người tác động không thương tiếc đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc hại làm cho môi trường ô nhiễm...  


Có lẽ vì vậy, Giờ Trái đất ngày càng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thông qua việc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình Giờ Trái đất hy vọng góp phần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.


Nói đến Giờ Trái đất, không thể không đề cập đến số kWh tiết kiệm được. Sẽ không khó để xác định lượng điện tiết kiệm được trong Giờ Trái đất, nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ đặt nó ở góc độ kinh tế. Không thể né tránh, chi phí để tổ chức cho hoạt động này gấp trăm, gấp nghìn lần trị giá điện năng tiết kiệm được. Thực tế, một số ngành, địa phương, đơn vị chỉ đặt nặng mục đích tuyên truyền là tiết kiệm được từng này từng kia điện năng, trong khi đó đã phải bỏ ra khoản ngân sách không nhỏ để mua nến thắp trong một giờ tắt điện.Vậy nên, nếu chỉ đánh động tâm thức con người bằng những con số, thì e rằng cái đích của Giờ Trái đất sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi. Có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng, thì dù hành động đó là nhỏ, nhưng nó thật sự có ý nghĩa lớn khi góp một phần vào việc hình thành nếp sống có văn hóa, ứng xử có trách nhiệm với môi trường.


Bảo vệ môi trường không phải chỉ hô khẩu hiệu; cũng đừng quan niệm là phải việc làm việc gì đó thật lớn lao, mà chính bằng những hành động rất cụ thể hàng ngày. Thế nên, chỉ cần một giờ của Giờ Trái đất mỗi năm, mỗi người hãy dành giờ đó để suy nghĩ, để hòa mình vào Trái Đất và cùng đồng cảm, chắc rằng giá trị cuộc sống sẽ gia tăng gấp bội. Đó cũng là thông điệp cần được quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, lâu bền không chỉ vào Giờ Trái đất mỗi năm.

 

Yến Nhi

Tắt điện 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất 2015
Tắt điện 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất 2015

Đúng 20 giờ 30 ngày 22/3, nhiều địa điểm ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn-háp Rùa-cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ, xung quanh khu vực Hồ Gươm, Nhà hát lớn, hồ Trúc Bạch... đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong 1 giờ, nhằm hướng ứng Giờ Trái đất năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN