Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát động nhằm khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 tối ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm), đồng thời làm gia tăng nhận thức của mỗi người về sự cần thiết phải hành động để chống lại biến đổi khí hậu, cứu lấy hành tinh xanh.
Có lẽ, do ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nên ngay từ khi mới ra đời (năm 2007), Giờ Trái đất đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 với sự tham gia của hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Những năm tiếp theo, chương trình tiếp tục nhân rộng và thu hút ngày càng nhiều tỉnh, thành phố cũng như nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia.
Nếu tính từ thời điểm 2009, Việt Nam đã 6 lần tham gia Giờ Trái đất. Có điều, năm nào cũng như năm nào, công tác tuyên truyền cho hoạt động này phần nhiều nhấn mạnh đến việc tiết kiệm được bao nhiêu kWh điện; mà ít chú ý đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường sống, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đọc bất cứ tờ báo nào, đâu cũng thấy thống kê những con số mang nặng tính kinh tế. Chẳng hạn, năm 2009, lần đầu tiên tham gia Giờ Trái đất, Việt Nam tiết kiệm được 140.000 kWh; năm 2010 tiết kiệm được 500.000 kWh; năm 2013 tiết kiệm được 401.000 kWh và Giờ Trái đất 2014, sản lượng điện tiết kiệm được là 431.000 kWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng...
Vẫn biết, đề cập đến Giờ Trái đất, không thể không đề cập đến số kWh tiết kiệm được. Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ đặt nó ở góc độ kinh tế. Không thể né tránh, chi phí để tổ chức hoạt động này nhiều gấp trăm, gấp nghìn lần trị giá điện năng tiết kiệm được. Chưa kể, có địa phương cứ lanh lảnh trên loa phóng thanh là tiết kiệm được từng này từng kia điện năng, trong khi họ bỏ ra lượng tiền không nhỏ để mua nến thắp trong Giờ Trái đất...
Vậy nên, nếu chỉ đánh động tâm thức con người bằng những con số, thì e rằng cái đích của Giờ Trái đất sẽ mãi hư không. Sẽ không khó để xác định lượng điện tiết kiệm trong Giờ Trái đất. Nhưng nó sẽ ý nghĩa hơn khi một giờ của Giờ Trất đất được kết tinh thành biểu tượng cao hơn, giúp con người suy ngẫm, nhìn nhận lại những việc đã làm và trách nhiệm đối với hành tinh mình đang sống.
Có thực tế không thể phủ nhận, môi trường sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão, lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng... Đó là hiểm họa mà toàn nhân loại đã và đang phải đối mặt, mà nguyên nhân chính do con người tác động không thương tiếc đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc hại làm cho môi trường ô nhiễm... Thế nên, chỉ cần một giờ của Giờ Trái đất mỗi năm, mỗi chúng ta dành giờ đó để suy nghĩ, để hòa mình vào trái đất và cùng đồng cảm, chắc rằng giá trị cuộc sống sẽ gia tăng gấp nhiều lần.
Đừng nghĩ rằng, bảo vệ môi trường là phải làm một việc gì đó to tát, mà phải bằng những hành động rất cụ thể hàng ngày. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng thì mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống có văn hóa, có trách nhiệm với môi trường.
Đó cũng chính là vấn đề cần được lưu tâm và cần được quảng bá sâu rộng, lâu bền không chỉ vào Giờ Trái đất mỗi năm.
Yến Nhi