Hãy cùng đổ mồ hôi!

"Hãy cũng đổ mồ hôi vì người dân Nhật Bản" - đó là câu nói của ông Yoshihiko Noda sau khi được Hạ viện bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản, như một lời cam kết ông sẽ nỗ lực hết sức mình để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Không thể phủ nhận, ông Noda nhậm chức vào một thời kỳ “thiên không thời, địa không lợi và nhân không hòa”, khi mà cả chính trị và kinh tế Nhật Bản đều diễn biến không tích cực. Sự chia rẽ trên chính trường Nhật Bản là yếu tố lớn nhất cản trở ông Noda thực thi các chính sách của mình tại Quốc hội, nơi mà đảng đối lập có thể bác bất cứ dự luật nào.

Chính vì vậy, ông Noda đang kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn với các đảng đối lập chủ chốt để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội, song triển vọng có vẻ không khả quan vì các đảng đối lập lại tỏ ra lạnh nhạt.

Chỉ mới đây thôi, trở ngại về chính trị đã phủ bóng lên nền kinh tế Nhật Bản khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ mức xếp hạng nợ công của Nhật Bản xuống một nấc với lí do: Việc nước này liên tục thay đổi nhà lãnh đạo đã làm ảnh hưởng tới các chiến lược kinh tế hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ công. Bên cạnh đó, trận động đất và sóng thần khủng khiếp hồi tháng 3 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề và kéo dài cho kinh tế Nhật Bản. Đứng trước bài toán kinh tế, ông Noda được đánh giá là người có quan điểm bảo thủ khi ủng hộ tăng thuế để bù đắp gánh nặng chi phí an sinh xã hội và giảm nợ công. Quan điểm này hoàn toàn có nguy cơ vấp phải phản ứng mạnh của người dân. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tiếp tục gây tâm lý hoang mang về mức độ an toàn của loại nhiên liệu này. Vì vậy, việc ông Noda tỏ ra khá kiên quyết khi khẳng định ủng hộ tiếp tục sử dụng điện hạt nhân hoàn toàn có thể sẽ khiến ông phải đối mặt với sự phản đối của người dân và các chính quyền địa phương.

Trở ngại cuối cùng của ông Noda chính là sự rạn nứt ngay trong nội bộ đảng cầm quyền. Theo các nhà phân tích, ông đã chiến thắng nhờ sự hậu thuẫn từ những người chỉ trích cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, người mặc dù sắp phải ra tòa vì một vụ tai tiếng về ngân quỹ, song vẫn được coi là vị “Shogun” trong bóng tối khi tập hợp quanh mình 130 nghị sĩ, vì thế vẫn là một thế lực đáng kể.

Ông Noda đã được “đặt lên lưng ngựa” và bây giờ là lúc “ngựa lên đường”. Khi kêu gọi “Hãy cùng đổ mồ hôi vì người Nhật Bản”, ông đã thể hiện quyết tâm biến tình thế khó khăn hiện nay thành "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN