Gạn đục cho nền kinh tế

Hàng loạt sai phạm của các tập đoàn, doanh nhân lớn từ cách đây nhiều năm, tưởng như trót lọt, êm thấm, đã lần lượt bị bóc trần.

Mới đây nhất là trường hợp của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Ngày 20/10, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại công ty này. Cụ thể, trong đầu tư xây dựng, Vinataba đã sai phạm trong thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú (TP. Hồ Chí Minh). Đây là khu vực nằm ở vị trí sầm uất bậc nhất ở TP. Hồ Chí Minh, được đánh giá là “đất vàng”, thậm chí là “đất kim cương”. Thế nhưng, trong quá trình lòng vòng để sang tên đổi chủ, “hóa kiếp” cho lô đất 3 mặt tiền, rộng hơn 30.000 m2 này, Vinataba chỉ thu về hơn 370 tỷ đồng sau khi bán phần vốn góp cho đối tác, trong khi giá trị năm 2012 đã là 1.300 tỷ đồng.

Thanh tra kết luận Vinataba đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng mà xin phép Thủ tướng; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất… Hậu quả là lô “đất vàng” về tay tư nhân với cái giá “rẻ bèo”.

Báo chí đã chỉ ra rõ thủ đoạn của loại tội phạm này, đó là xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và lợi dụng chủ trương thoái vốn nhà nước, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ.

Một vụ sai phạm nữa liên quan đất đai cũng mới bị phanh phui ở Đồng Nai. Ngày 17/10, Cơ quan công an xác định 3 cựu lãnh đạo Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch bị bắt do có vai trò quan trọng trong sử dụng tài sản công trái pháp luật, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Sai phạm này xảy ra tại dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh có diện tích khoảng 500 ha do Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư. Từ năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm đất đai xảy ra tại Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch.

Còn tại Đà Nẵng, ngày 24/10, Công an TP Đà Nẵng vừa bắt tạm giam Bùi Lê Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Điểm chung của ba vụ trên là đều không đấu giá bán tài sản đất đai, không tổ chức thực hiện chuyển nhượng công khai, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.

Các vụ sai phạm đều manh nha từ rất nhiều năm trước, và gần đây mới bị vạch trần sai phạm. Điều đó cho thấy không dễ gì thoát lưới pháp luật nếu đã có sai phạm, dù là sai phạm cách đây cả chục năm.

Đó là trong lĩnh vực đất đai, còn trong lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt tên tuổi lớn cũng dính vòng lao lý. Mới đất nhất là cái tên Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà này bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn năm 2018-2019 xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Vụ việc khiến dư luận và các thị trường thực sự rúng động khi người bị bắt là một nữ đại gia quyền lực, được coi là “bà trùm” của những dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí có đồn đoán rằng Trương Mỹ Lan là thế lực bất khả xâm phạm.

Thế nhưng, thực tế chứng minh nếu đã có sai phạm thì không có ai là bất khả xâm phạm, là “vùng cấm”. Trương Mỹ Lan là ví dụ điển hình cho thấy quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong trấn áp tội phạm kinh tế, trả lại sự minh bạch, trong sạch cho nền kinh tế, giành lại niềm tin của nhà đầu tư.

Vụ bắt Trương Mỹ Lan cũng chứng minh rằng pháp luật kiên quyết không bỏ qua những hành vi làm giàu bất chính, bất chấp đạo đức kinh doanh, gây hại cho quá trình điều hành kinh tế. Tới đây, những thế lực đứng đằng sau chống lưng cho nữ đại gia này chiếm đoạt tài sản chắc chắn sẽ bị vạch trần.

Vụ Trương Mỹ Lan đã khiến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán hoang mang. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có động thái trấn an. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành và phát triển ổn định, đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan. Còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Trước vụ Trương Mỹ Lan, thị trường cũng đã trải qua biến động với vụ bắt Trịnh Văn Quyết, người sáng lập Tập doàn FLC; Đỗ Anh Dũng, ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh; hay Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á… Dù biến động, xáo trộn và gây hoang mang, nhưng mỗi khi “gạn đục”, mỗi khi loại bỏ được một tác nhân xấu, chắc chắn nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ chỉ càng “trong” hơn, mạnh hơn.

Thùy Dương
Đừng để kỳ vọng trở thành thất vọng
Đừng để kỳ vọng trở thành thất vọng

Ai cũng rõ lợi ích của việc giảm ùn tắc giao thông, nhưng mỗi khi vấn đề thu phí xe cơ giới vào trung tâm Hà Nội (cũng là nhằm giảm ùn tắc giao thông) được đưa ra, dư luận lại dậy sóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN