Thời gian qua, có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã đi vào nề nếp; kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai minh bạch và cách làm này được nhân dân ủng hộ. Công tác lấy phiếu tín nhiệm đã giúp đánh giá hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời là cơ sở phục vụ công tác cán bộ.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, cả nước ghi nhận 10 trường hợp có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp khi Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Trong số này, một trường hợp đã bị khởi tố, bắt tạm giam (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành); các trường hợp khác đã và đang được xử lý theo những hình thức khác nhau: cho thôi chức vụ, miễn nhiệm chức vụ, luân chuyển công tác khác, hoặc đang tiến hành các thủ tục, quy trình để trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định theo quy định pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác lấy phiếu tín nhiệm đã mang lại những hiệu quả nhất định. Một số người không đủ uy tín, không đủ tín nhiệm đã phải “trả lại” chức vụ. Quy luật “có vào - có ra; có lên - có xuống” vì thế cũng được vận hành thành thông lệ. Nhớ lại thời điểm tháng 12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã bày tỏ “kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường”. Ông Lê Duy Thành là chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên cả nước nhận được trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp (cụ thể là 53,19%). Có “bất thường” hay không thì bây giờ mọi thứ đã sáng tỏ.
Mặc dù là một kênh giám sát tốt, tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm rõ ràng không thể “phủ sóng” toàn bộ công tác xem xét, đánh giá cán bộ. Những con số nhiều khi không phản ánh được hết bản chất vấn đề và cũng cho thấy rằng việc lấy phiếu tín nhiệm phần nào vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập. Thử nhìn lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm đợt cuối năm 2023 của một số trường hợp sau: Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc - 97,87% phiếu tín nhiệm cao); Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - 92,16% số phiếu tín nhiệm cao); hay Trần Đức Quận (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - 94,7% số phiếu tín nhiệm cao)… Có những “vỏ bọc hoàn hảo” khiến lấy phiếu tín nhiệm trở nên “bất lực”, không thể đánh giá được đúng về người giữ chức vụ cho đến khi Bộ Công an phát đi thông báo. Ở đây, tất nhiên ai cũng hiểu rằng cá nhân sai phạm luôn có xu hướng tìm mọi cách che đậy ý đồ xấu, ngụy trang một cách tinh vi sự thoái hóa, biến chất từ bên trong của mình.
Đến thời điểm này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đều đã bị khởi tố trong vụ án Công ty Tập đoàn Phúc Sơn. Trong đó, Bộ Công an xác định hai bị can Hoàng Thị Thúy Lan và Lê Duy Thành nhận số tiền hối lộ tương đối lớn, hàng tỷ đồng… Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận thì bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Khi “xảy ra chuyện”, có ý kiến cho rằng nên truy lại phiếu bầu, phiếu tín nhiệm và đặt vấn đề về trách nhiệm lá phiếu. Trách nhiệm lá phiếu là đúng, nhưng chưa đủ, bởi lấy phiếu tín nhiệm không chỉ phức tạp, nhạy cảm mà còn có tính thời điểm và suy cho cùng thì đây chỉ là một kênh phục vụ xem xét, đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ cần cái nhìn toàn diện, dựa vào việc làm, hành động cụ thể của cá nhân, dựa vào hiệu quả công việc, dựa vào đạo đức, lối sống… Tóm lại là đánh giá toàn diện dựa trên cả lời nói và hành động. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Nói đi đôi với làm”, đó là thể hiện sự thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc và thực hành thường xuyên, hằng ngày trong công việc và đời sống.
Thành ngữ nước ngoài có câu: “Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn lưu ý khi đề cập đến công tác cán bộ: “Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng ‘nhìn gà hóa cuốc’, đừng ‘thấy đỏ tưởng là chín’, đừng chỉ thấy ‘cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong’, có khi ‘xanh vỏ mà đỏ lòng’ đấy”.
Công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và sự phát triển, vững mạnh của đất nước. Hiện nay, Đảng ta đang từng bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XIV, ở đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải thực sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược. Nhưng trong công tác này cũng cần tinh tường, tỉnh táo, bởi như đã nêu thì chưa chắc “tín nhiệm cao” có thể tạo nên “uy tín cao”. Để lọt những người “tín nhiệm cao” dưới “vỏ bọc hoàn hảo” như vậy vào cương vị lãnh đạo, rốt cuộc lại là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện để cho họ hại nước, hại dân nhiều hơn.