Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 do Giáo hội phật giáo Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 – 8/5 và là lần thứ 4 Việt Nam vinh dự được đăng cai, với sự tham gia của trên 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hợp Quốc, hơn 1.350 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn tăng ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi trên thế giới, qua đó trở thành dịp đặc biệt để giới Phật giáo toàn cầu gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ tư tưởng đạo lý Phật giáo trong việc xây dựng thế giới hòa bình, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Lương Cường dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Đại lễ diễn ra vào thời điểm vô cùng đặc biệt khi toàn thể dân tộc Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và đang tích cực chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc. Trong không khí hân hoan, tràn đầy tự hào ấy, ngọn cờ của Vesak, biểu tượng của tư tưởng nhân văn cao đẹp, của hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế lại một lần nữa được giương cao, tung bay trên bầu trời đất nước Việt Nam, đất nước yêu chuộng hòa bình.
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về giá trị của sự khoan dung, đối thoại và hòa hợp giữa các dân tộc, các tôn giáo trong thế giới hiện đại đầy biến động. Việt Nam, trong vai trò nước chủ nhà, đã thể hiện năng lực tổ chức chuyên nghiệp, sự hiếu khách, tinh thần đoàn kết dân tộc và thiện chí hợp tác quốc tế. Đây không chỉ là một sự kiện lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà còn là dịp để Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, con người thân thiện, gắn kết, sống hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, qua đó Việt Nam một lần nữa khẳng định với cộng đồng quốc tế về sự đúng đắn, nhân văn của chính sách tôn giáo – tín ngưỡng hiện nay.
Đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Vesak 2025. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Trong phát biểu khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Phó Pháp chủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu rõ, là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ Vesak 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước và trong chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khẳng định: "Phật giáo Việt Nam với dân tộc ta đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong suốt mấy nghìn năm lịch sử" và quả vậy, trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện và từ bi hỷ xả đã thấm sâu vào tâm hồn, lối sống của người Việt, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam – một nền văn hóa đậm đà tính nhân văn, nhân ái và hòa hợp.
Đêm thắp nến hoa đăng cầu quốc thái dân an và hòa bình cho thế giới. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu còn đối diện với nhiều xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng niềm tin và giá trị đạo đức, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đã lan tỏa thông điệp tích cực về sự đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và sống chung trong sự tôn trọng lẫn nhau. Vai trò cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam với cộng đồng Phật giáo thế giới không chỉ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà còn làm sâu sắc thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đại lễ cũng là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.
Có thể khẳng định, thành công của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, đất nước chúng ta luôn trân trọng và phát huy giá trị tôn giáo, khuyến khích các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hòa bình, phát triển, hạnh phúc và bền vững.