Mặc dù là lực lượng chính, trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm nhu yếu cho xã hội, nhưng từ bao đời, nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất và nay vẫn cứ loay hoay với điệp khúc được mùa, mất giá, cuộc sống bấp bênh. Ngay cả trong điều kiện giao thương hiện đại, khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng đã tương đối ngắn thì phần lớn nông dân vẫn bị phụ thuộc nhiều vào thương lái. Lợi nhuận từ việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng chỉ tương tự như… nuôi heo đất.
Chừng ấy thôi cũng đủ minh chứng cho việc quy hoạch phát triển nông nghiệp trong cả nước nói chung cũng như ở các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và chưa tạo được sự thay đổi có tính bền vững, căn cơ đối với nền nông nghiệp. Điều này, hẳn nhiên không thuộc lỗi của nông dân.
Ngoài trừ một vài mô hình sản xuất tập trung như cánh đồng mẫu lớn, mô hình hợp tác xã kiểu mới… thì đa phần nông dân vẫn còn sản xuất theo mô hình hộ cá thể với quy mô nhỏ lẻ, đất đai canh tác giữa các hộ dân không liền lạc. Việc hình thành những vùng quy hoạch, sản xuất tập trung với quy mô lớn, áp dụng quy canh tác hiện đại, ổn định đầu ra, bao tiêu sản phẩm… luôn gặp khó khăn.
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, đối với đa phần những nông dân ở nông thôn, sản xuất một vụ lúa, một vụ màu hay một vụ chăn nuôi kéo dài vài tháng, nhưng vụ nào không lỗ vốn đã là may mắn, còn lãi được dăm ba triệu đồng thì thực sự là một niềm vui lớn. Trong khi đó, những vụ sản xuất trúng mùa thì thường xuyên phải đối diện với việc thương lái ép giá, bất kể nhu cầu thị trường. Nỗi bức xúc này đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để chế tài việc lũng đoạn thị trường của hệ thống thương lái.
Thực tế này dẫn đến một mâu thuẫn tồn tại lâu nay đó là, nông dân dù thiếu thông tin nhưng vẫn luôn cố gắng sản xuất theo tín hiệu của thị trường, tập trung sản xuất loại nông sản, thực phẩm đang “hút” và dự đoán nhu cầu thị trường theo mùa như tập trung sản xuất các loại hàng hóa thương phẩm phục vụ mùa Tết hoặc sản xuất theo chỉ dẫn của thương lái…
Ngược lại, các ngành chức năng, với điều kiện tốt hơn, có thể khảo sát được thị trường trong và ngoài nước để đưa ra những khuyến cáo cần thiết đối với nông dân, thì đa phần vẫn đưa ra những khuyến cáo chung chung. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, “quy hoạch” hoặc những khuyến cáo của ngành chức năng thường theo hướng an toàn và “sợ” nông dân đổ xô sản xuất một mặt hàng nào đó, sẽ dẫn đến việc được mùa, rớt giá. Những khuyến cáo còn lại của ngành chức năng chủ yếu dựa vào “dự báo thời tiết” như điều kiện hạn mặn, lượng mưa, thiên tai… nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất, đảm bảo đủ nước tưới tiêu, canh tác...
Như vậy, cả việc “tự phát” của nông dân lẫn công tác quy hoạch, khuyến cáo của địa phương hàng năm cũng đều thiếu tính khoa học, thiếu thông tin dự báo từ thị trường và cũng đều “may rủi” như nhau. Nông dân “phá rào” nếu thành công thì được vinh danh “nông dân sản xuất giỏi” còn nếu thất bại thì lỗi là do tự phát, phá vỡ quy hoạch. Lời hay lỗ cũng là nông dân tự chịu, vì ngay cả việc sản xuất đúng quy hoạch mà rớt giá, nông dân thua lỗ thì cũng không ai chịu trách nhiệm về bản quy hoạch ấy.
Những ngày qua, nhiều mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu vào vụ thu hoạch rộ nhưng không ai mua do thị trường xuất qua Trung Quốc đang đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát.… Tình trạng này đang khiến nông dân nhiều vùng trong cả nước điêu đứng, thậm chí lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đứng ra “giải cứu” chia sẻ với những khó khăn của nông dân, đó là những hành động rất đáng trân trọng.
Những rủi ro trong sản xuất kinh doanh là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi đối diện với thiên tai, dịch họa… Đây là lúc những người nông dân cần được sự chia sẻ khó khăn từ cộng đồng chứ không phải là lúc để nghe đổ lỗi về việc “phá vỡ quy hoạch”. Nông dân bao giờ cũng mong muốn một cuộc sống ổn định, một nền sản xuất không bấp bênh theo kiểu phải “trông nhiều bề” như hiện nay. Đáp ứng được mong ước đó mới chính là bài toán thực sự của những người làm quy hoạch nông nghiệp.