Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định vừa được đóng mới đã bị sét gỉ, hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, bảo đảm an sinh cho hàng vạn ngư dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những ngư dân ngày đêm bám biển mưu sinh là những lá chắn sống nơi tiền tiêu. Hơn ai hết, họ mong mỏi Nghị định đi vào cuộc sống, mong mỏi những con tàu mới được vươn khơi an toàn và hiệu quả. Hơn ai hết, họ hiểu những hỏng hóc, sự cố trên biển là lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là tán gia, bại sản.
Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm, ra khơi mới 1 - 2 chuyến biển đã hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí, tàu mới đưa từ xưởng về đã bị hư hỏng máy móc, không ra khơi được.
Những con tàu được đóng ở những cơ sở mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho là đủ năng lực thi công và được Trung tâm đăng kiểm, Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng với số vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng nay đã nằm bờ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng, làm xói mòn niềm tin của ngư dân với một chính sách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Riêng tại tỉnh Bình Định, có 19 tàu được đặt đóng tại hai Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (4 chiếc) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (15 chiếc) bị hỏng về phần máy và phần sắt ở boong, các bộ phận trên tàu.
Lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận, đã sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu thay vì phải đóng bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như hợp đồng, nhưng cho rằng thép Trung Quốc tốt tương đương thép Hàn Quốc.
Còn đại diện Công ty Nam Triệu đổ tội cho nước biển… quá mặn khiến tàu bị gỉ sét. Với 9 tàu bị hỏng hóc, sự cố phần máy, thay vì phải thay bằng máy thủy chính hãng Mitsubishi, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) - doanh nghiệp bán máy cho Công ty Nam Triệu lại gặp gỡ, năn nỉ chủ tàu xin sửa chữa, cải hoán máy đã lắp.
Lời quả quyết “một phương tiện đi biển như thế thì không thể nào sửa chữa được mà phải thay mới” của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trên nghị trường Quốc hội ngày 13/6 vừa qua đã phần nào trấn an dư luận và ngư dân. Không thể đùa với tính mạng và tài sản người dân như thế.
Thông điệp Bộ trưởng đưa ra rất rõ ràng: hỏng về máy thì yêu cầu thay máy mới; hỏng về sắt, thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển; với tàu còn nằm bờ, khi chưa sửa chữa được thì công ty phải có trách nhiệm với người dân khi người dân không có thu nhập những ngày đó.
Không để “con voi chui tọt lỗ kim”, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bình Định đã vào cuộc làm rõ vụ việc và câu trả lời đã rõ.
Kết quả thẩm định các tàu cá bị sự cố vừa qua được công bố tại buổi họp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP cùng lãnh đạo một số địa phương, các cơ sở đóng tàu và chủ tàu cá cho thấy 17/18 tàu vỏ thép bị sự cố có nhiều sai phạm trong quá trình thiết kế, vật liệu đóng tàu, máy chính, máy phát điện,trang bị thiết bị hàng hải trên tàu và công tác theo dõi, kiểm tra và đăng kiểm tàu cá.
5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc. 12 tàu phần vỏ thép bị gỉ sét tự nhiên, trong đó 5 tàu có phần mặt boong, ca bin, trang thiết bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng cùng thời điểm.
Có 9 tàu trang bị máy hiệu Mitsubishi có các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động máy thủy của hãng. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên Decal máy.
3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế. 2/25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép không có nhãn mác, 1 máy phụ hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất, nhưng CO ghi máy lắp ráp tại Singapore; 3 máy phụ hiệu Cummins hoạt động không ổn định, 3 máy phụ hiệu Mitsubishi –Nhật Bản bị vỡ thân máy, hư hỏng do hở bạc và có cụm phát điện bị hỏng…
Nhiều tàu đã có những thay đổi về bố trí chung, thiết bị tời so với thiết kế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được cơ quan thiết kế hoàn công theo đúng qui định. Trước và sau khi lắp đặt, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy.
Dẫu rằng lãnh đạo các cơ sở đóng tàu đã nhận những sai trái và hứa sẽ bồi thường, sửa chữa; cơ quan đăng kiểm cũng thừa nhận sự tắc trách, nhưng dư luận vẫn đang mong chờ phân định rạch ròi trách nhiệm của các bên liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Những con tàu do nhà nước hỗ trợ đóng mới nhưng là tài sản của ngư dân, do ngư dân quản lý, khai thác và sử dụng, họ rất cần là người giám sát chính trong quá trình đóng mới.