Ngay cả ở một địa phương được xem là “cấp tiến” bậc nhất cả nước như TP HCM, chính quyền cũng sẵn sàng bỏ ra 500 triệu USD trong dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 1) chỉ để làm đẹp dòng kênh bằng cách khoan hệ thống ống ngầm rồi bơm nước thải vào đấy để xả thẳng ra sông Sài Gòn mà bỏ qua tất cả nước yếu tố về môi trường. Trong khi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trong những dòng kênh chính tiếp nhận phần lớn nước thải khu vực nội đô.
Phương pháp xử lý nước thải mà dự án này “chọn” là lược rác, pha loãng và … thải ra sông ở đoạn bên dưới, cách xa khu vực lấy nước của nhà máy nước. Những người có trách nhiệm quyết định dự án ở thời điểm ấy “tin rằng” làm như vậy thì không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố, vì nước thải được xả ra phía hạ lưu, mà “quên” rằng, với một dòng sông có tốc độ chảy chậm như sông Sài Gòn, thì chỉ cần trong pha triều lên, toàn bộ nước thải sẽ được thủy triều “chuyển ngược” lên phía thượng nguồn và người dân thành phố vẫn phải “dùng lại” nước thải do chính mình thải.
Ở thời điểm ấy, nhiều nhà khoa học đã đưa ra giải pháp thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn rồi xả trở lại dòng kênh chứ không cần phải khoan ngầm (rất tốn kém) với nguồn kinh phí thấp hơn và tốt cho môi trường hơn. Đáng tiếc những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học hàng đầu của thành phố đã bị bỏ qua vì lối tư duy “đơn giản” của những người có trách nhiệm hoặc bởi những lý do “tế nhị” nào đó, mà đến giờ cũng ít người có thể hiểu được.
Xả thải phía hạ lưu và lấy nước phía thượng nguồn là lối tư duy phổ biến ở nhiều địa phương, giống như kiểu tư duy vứt rác qua nhà hàng xóm là hết trách nhiệm vốn đã tồn tại rất lâu trong “ý thức cộng đồng”. Kiểu tư duy cục bộ địa phương và thiếu hẳn trách nhiệm liên kết trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước ở lưu vực các con sông lớn đã khiến các con sông ngày càng ô nhiễm nặng nề, đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh nguồn nước mà không ai phải chịu trách nhiệm.
Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 12,5% lượng nước thải đô thị trong cả nước được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong khoảng 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Ngoài ra, ở 587 cụm công nghiệp, chỉ có 9,4% có hệ thống xử lý nước thải, chưa kể phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp, hóa chất nông nghiệp và nước thải sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước mặt và đi ra hệ thống kênh rạch, sông ngòi. Đây chính là nguyên nhân khiến 2000 con sông lớn trên cả nước đang đối mặt với tình trạng chết dần.
Với cơ chế quản lý nguồn nước hiện hành, trách nhiệm quản lý tài nguyên nước và các dịch vụ đi kèm phần lớn thuộc trách nhiệm ở các địa phương. Tuy nhiên, các con sông thường chảy qua nhiều địa phương nên các tỉnh phía thượng nguồn thường được dùng nguồn nước tốt hơn nên không băn khoăn việc bảo vệ môi trường nguồn nước và … không ngại xả thải. Các địa phương phía hạ lưu hứng chịu ô nhiễm phía thượng nguồn lại cũng không sẵn sàng chi tiền để bảo vệ môi trường nước ngay từ đầu nguồn.
Tình trạng quản lý theo địa giới hành chính kiểu “cha chung không ai khóc” và thiếu hẳn cơ chế liên kết giữa các địa phương đã khiến việc bảo vệ môi trường nước gần như bị thả nổi. Nước ô nhiễm thì tăng cường hóa chất xử lý chứ không thể thiết lập cơ chế bền vững nhằm khai thác nguồn tài nguyên nước mặt. Thực trạng này khiến chất lượng nước trong hệ thống sông ngòi ngày càng ô nhiễm nặng nề và chất lượng nguồn nước sinh hoạt cũng rất “phập phù”.
Xã hội hóa cấp nước là việc cần thiết nhưng cần được thực hiện song song với “xã hội hóa bảo vệ môi trường”. Ý thức bảo vệ môi trường nước phải là ý thức chung của toàn xã hội và cần được hình thành ngay trong mỗi cá nhân cho đến việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm về môi trường. Đó là cách để không phải "chết trong nước bẩn".