Với mỗi thí sinh, đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể coi là lần đặt bút lựa chọn đầu tiên cho hướng đi của cuộc đời mình.
Mặc dù theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng vào các trường, nhưng do chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất, nên việc chọn trường, chọn ngành của các thí sinh phải hết sức thận trọng. Trượt nguyện vọng ưu tiên cao nhất, thí sinh vẫn được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo, nhưng tuỳ từng trường, từng khoa mà có thể sẽ phải đáp ứng thêm các điều kiện khác, phổ biến là mức điểm phải cao hơn điểm trúng tuyển, đồng nghĩa với việc cơ hội bước chân vào cổng trường đại học sẽ khó khăn hơn.
Đối với đa số các thí sinh, môn thi và nguyện vọng ưu tiên được “quyết” theo hướng chọn trường nào có khả năng trúng tuyển cao hơn; hoặc ngành học nào có khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp hơn. Và để đảm bảo “chắc ăn”, khái niệm “chọn trường vừa sức” thường được hiểu là những trường có thể điểm tuyển thấp hơn điểm thi, thậm chí có thể trái với nguyện vọng và sở trường của thí sinh. Miễn là được trúng tuyển.
Đã đi thi, thí sinh nào cũng mong đỗ. Tuy nhiên, nếu chỉ vì “miễn là trúng tuyển vào một trường” mà xem nhẹ yếu tố sở thích, mong muốn nghề nghiệp trong tương lai, hay là những đặc điểm, sở trường của mỗi cá nhân, thì lại là điều không nên khuyến khích. Bởi lẽ, trên thực tế, có những sinh viên sau khi tốt nghiệp một ngành, lại đi làm một ngành khác; nhưng đa số thì khi trúng tuyển và theo học một ngành đồng nghĩa với việc chính thức xác định nghề nghiệp và hướng phát triển của cả cuộc đời. Nếu ngành học không thực sự là mong muốn của thí sinh, thì sự tập trung của người học trong 4-5 năm đào tạo chắc chắn sẽ không bằng những thí sinh được học tập theo đúng nguyện vọng của mình, dẫn tới kết quả học tập, đào tạo khó được như mong muốn. Thậm chí khi đi làm “sai nghề”, thì lòng say sưa với công việc và sự nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ có những người làm những công việc không hề phù hợp với sở trường, năng lực, tính cách của mình, dẫn tới hiệu quả lao động không cao. Đó là chưa kể tới số những tân cử nhân tốt nghiệp đại học, không muốn đi làm theo nghề đã học, dẫn tới lãng phí cho cá nhân, gia đình và xã hội. Thực tế mỗi năm có hàng chục ngàn cử nhân ra trường không tìm được việc làm hoặc việc làm phù hợp. Trong số này, có không ít những trường hợp đã sai lầm ngay từ khi chọn nguyện vọng vào các trường.
Ngành giáo dục khi cho phép thí sinh đăng ký “nhiều nguyện vọng” là đã mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Đồng nghĩa với đó là giảm áp lực cho việc lựa chọn: thí sinh có thể chọn một nguyện vọng theo khả năng có thể đỗ, một nguyện vọng theo sở thích, nguyện vọng theo khả năng tìm việc sau khi ra trường… Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển thường chỉ đến khi nguyện vọng ưu tiên cao nhất (nguyện vọng 1) “vừa sức”, do đó bài toán nguyện vọng đăng ký vẫn làm “đau đầu” không ít thí sinh và gia đình. Bởi lẽ, bên cạnh việc cân nhắc về học vấn, họ còn phải tự “dự đoán” mức điểm trúng tuyển vào các trường sao cho sát với học lực của mỗi cá nhân. Trong khi đó, điểm trúng tuyển vào các trường thì biến động theo từng năm, mỗi năm chỉ du di 0,5 điểm cũng đủ để cho hàng loạt các thí sinh lỡ đăng ký sẽ bị mất nguyện vọng 1.
Vào Đại học là một bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi cá nhân. Nó đánh dấu hướng đi và bước trưởng thành của mỗi thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Lựa chọn dựa trên khả năng, lựa chọn để dễ trúng tuyển, lựa chọn để được trường tốt, được nghề đáp ứng thị trường lao động… là những cân nhắc nên có. Nhưng các thí sinh và phụ huynh cũng đừng quên chữ “nguyện vọng” luôn phải đi kèm với ước mơ, hoài bão, khát khao đóng góp và chinh phục. Lựa chọn nào đáp ứng được điều này, sẽ thực sự là lựa chọn bản lĩnh của cả cuộc đời.
Nếu thí sinh chỉ việc thi, không cần đăng ký trước nguyện vọng, sau đó mang kết quả đến bất kỳ trường nào phù hợp để xét tuyển (đối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả thi hoặc có thi thêm 1-2 môn gắn với đặc thù của trường) thì chắc chắn công tác xét tuyển của các trường sẽ thêm phần khó khăn, do bị động. Nhưng nếu các trường thật sự tốt, sẽ không lo không đủ thí sinh để tuyển. Và những trường thật sự dám gánh áp lực tuyển sinh, để đỡ áp lực cân nhắc chọn trường cho thí sinh, thì càng thể hiện rõ tinh thần phục vụ người học của ngành giáo dục.
Và để hỗ trợ sự lựa chọn của cả cuộc đời thí sinh, nếu ngành giáo dục và các trường sẵn sàng chấp nhận làm những phần việc khó thì sẽ thực sự là những hỗ trợ “bản lĩnh” của từng trường, người học và vì thị trường lao động.