Đối thoại - Con đường duy nhất tới hòa bình

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều tháng trở lại đây thường xuyên “căng như dây đàn” sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân, bấp chấp các động thái cứng rắn từ các nước liên quan trực tiếp, cũng như cộng đồng quốc tế.

Thậm chí giới quan sát trong thời gian gần đây còn nhiều lần đề cập tới khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh qui mô lớn ở khu vực Đông Bắc Á. Song liệu điều này có nguy cơ xảy ra?

Có lẽ trên thế giới rất hiếm quốc gia dám ra mặt thách thức Mỹ về mặt quân sự, đặc biệt sự thách thức này lại đến từ một nước thế giới thứ 3 như Triều Tiên. Chỉ tính riêng trong thời gian từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền đầu năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa ở các qui mô khác nhau, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).  Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn thực hiện hai vụ thử bom nhiệt hạch vào giữa năm 2016 và lần gần đây nhất là vào đầu tháng 9/2017. 

Triều Tiên sẵn sàng “bỏ ngoài tai” những tuyên bố cứng rắn của Mỹ và đồng minh, cũng như lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc bởi vì họ cho rằng chương trình hạt nhân và tên lửa có tác động mạnh mẽ đến sự tồn vong của cả chế độ. Trong bối cảnh bị bao vây, cô lập và cấm vận thì không còn cách nào khác, đây có thể là cách duy nhất để Triều Tiên tự khẳng định mình, tạo cho họ sức mạnh để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước.

Trước những hoạt động mang tính thách thức đó, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước đồng minh thường xuyên có những hành động đáp trả mạnh mẽ, từ việc tăng cường các cuộc tập trận, huy động hàng loạt tàu chiến và máy bay chiến lược đến vùng biển gần Triều Tiên, cho tới những lời đe dọa cho nước này nếm “lửa và sự thịnh nộ” chưa từng có. Tuy nhiên, tất cả những động thái mạnh mẽ nhất đến thời điểm hiện tại cũng chỉ giới hạn ở mức răn đe.

Với cáo buộc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, Mỹ đã từng thực hiện các đòn tấn công phủ đầu và sau đó là đưa quân vào Iraq và Afghanistan, tạo ra những cuộc chiến kéo dài ở các quốc gia này. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, mặc dù mong muốn từ nhiều thập kỷ qua của Mỹ là thay đổi chế độ ở quốc gia này, song Washington thừa hiểu cách xử lý vấn đề Triều Tiên hoàn toàn khác chứ không phải đơn giản là dùng sức mạnh. Một cuộc xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên có thể gây ra hậu quả khôn lường mà những mục tiêu trực tiếp nhất phải hứng chịu đòn đáp trả chính là Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh gần gũi của Mỹ, những căn cứ quân sự của Washington ở khu vực, và thậm chí là cả các thành phố ở bờ Tây nước Mỹ.

Về phần mình, cho dù thường xuyên có những tuyên bố và hành động cứng rắn, song chắc chắn Triều Tiên cũng không hề mong muốn một cuộc chiến tranh với Mỹ và các đồng minh xảy ra. Họ cũng thừa hiểu cán cân sức mạnh quân sự đang nghiêng về bên nào. Và việc thường xuyên đẩy tình hình lên mức cao trào nhưng không vượt qua giới hạn có lẽ chỉ là cách để Triều Tiên buộc Mỹ phải thừa nhận chương trình phát triển hạt nhân của họ. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng chính là mấu chốt khiến cho hai bên vẫn chưa thể thực sự đối thoại bởi Mỹ cho rằng một khi Triều Tiên làm chủ công nghệ và có vũ khí hạt nhân thì cán cân chiến lược trong khu vực sẽ thay đổi hoàn toàn, đòi hỏi các phương pháp tiếp cận cũng như cách xử lý các thách thức an ninh hoàn toàn khác.

Dù hai bên tiếp tục có hành động đe dọa lẫn nhau, có thể thấy nguy cơ chiến tranh xảy ra vẫn là điều rất xa vời. Chính vì vậy, đàm phán và đối thoại hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và sự khác biệt của nhau có lẽ vẫn là cách duy nhất để hóa giải những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Hoài Nam
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên không còn khả năng sử dụng?
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên không còn khả năng sử dụng?

Ngay cả khi muốn tiến hành một cuộc thử hạt nhân nữa, CHDCND Triều Tiên vẫn gặp khó khăn lớn để chuẩn bị bởi bãi thử có dấu hiệu tổn thương địa chất từ các sự kiện trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN